Chùa Thầy - một địa điểm du lịch tâm linh
Cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km theo hướng cao tốc Láng Hòa Lạc, năm nào cũng có hàng chục vạn lượt du khách tới thăm quan, vãn cảnh và sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Thầy. Sở dĩ chùa được gọi là chùa Thầy là vì người dân nơi đây rất tôn sùng Từ Đạo Hạnh – một vị thiền sư thời Lý đã đến đây vào cuối thế kỷ XI. Ông vừa là thầy giáo dạy chữ cho dân, bởi ông có những hiểu biết uyên bác về nho; vừa thông y, tường lý nên thường bốc thuốc trị bệnh cứu người; thích ca múa hát và thường dạy dân diễn trò múa rối, nên dân chúng gọi ông là Thầy, chùa ông tu gọi là chùa Thầy.

Nằm dưới chân núi Sài hùng vĩ, chùa Thầy ban đầu chỉ có một am nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì, sau này vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm chùa Cao ở trên núi và chùa dưới hay còn gọi là chùa Cả Thiên Phúc Tự. Đến nay, chùa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây còn là di tích Cách mạng, là công trình kiến trúc độc đáo có một không hai và được biết đến là quần thể di tích đệ nhất của chốn vùng quê trù phú Quốc Oai. Theo các nhà nghiên cứu về kiến trúc tôn giáo, chùa Thầy không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn đẹp cả về phong thủy; bởi vị trí xây dựng và kiến trúc của chùa vẫn giữ được theo ý niệm của người xưa đó là “Tọa thủy ngọa sơn” tức là lưng thì tựa vào núi, mặt thì hướng ra hồ. Quả đúng như vậy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu; lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn; nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ còn cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi. Hiện chùa Thầy còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như hai vị tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 4m nặng 3 tấn làm từ đất sét và giấy bản đã hơn 400 năm tuổi; bức phù điêu Thập điện Diêm Vương nói về cảnh địa ngục, khuyên răn con người sống tốt nếu không sau này bị đẩy xuống địa ngục; hay cây cột gỗ Ngọc Am có từ thế kỉ XI… Nhưng có giá trị nhất, được nhiều người biết đến chính là bệ đá kép "Bách hoa đài" với những nét điêu khắc tinh tế.

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh – Kiếp Phật
Đến vãn cảnh chùa vào những ngày đầu xuân, mặc dù đang gấp rút chuẩn bị mọi công tác cho lễ khai hội chùa Thầy 2016, nhưng Ban quản lý di tích chùa vẫn tiếp đón đoàn chúng tôi rất nhiệt tình. Dẫn đoàn đi tham quan cảnh chùa, chị Nguyễn Ngọc Tình - Hướng dẫn viên tại chùa Thầy kể cho chúng tôi nghe sự tích về chùa: Chùa Thầy là nơi lưu dấu tu hành của vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cách đây 1000 năm, có vị cao tăng thời nhà Lý đã về vùng đất Quốc Oai tu hành và đắc đạo cửa chùa. Tích nhà Ngài sinh ra mang họ Từ, tên tục là Lộ, con quan tư án Từ Vinh. Ngài đã về đây tu tròn trong ba kiếp: kiếp Phật, kiếp Thánh và kiếp Vua; Đạt đến độ Thoát xác trường sinh, kiếp sau đầu thai lên làm vua lấy niên hiệu vua Lý Thần Tông. Bởi vậy chùa Thầy có thờ vua Lý Thần Tông là hậu thân của vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngài cũng là người thầy đầu tiên dạy cho dân nghệ thuật múa rối nước nên nhân dân nơi đây đã dùng gỗ bạch đàn thơm đắp bảo vệ xương nhà Ngài, có khớp nối để có thể cử động đứng lên ngồi xuống được. Tượng người nhà Ngài được đặt trong khám và chỉ được mở vào ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm, tức ngày lễ hội của chùa Thầy; tuy nhiên không phải ai cũng được vào vị trí đặt khám trong ngày này.

Tượng vua Lý Thần Tông – Thiền sư Từ Đạo Hạnh kiếp vua
Trong truyền thuyết cũng nhắc tới việc Từ Lộ đầu thai thành vua Lý Thần Tông khi trút bỏ xác trần. Có lẽ vì thế mà ở chùa Láng thờ cả Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông, là hai kiếp sống tại tế của Từ Lộ.
Trong quần thể núi chùa Thầy còn nhiều đình chùa cổ kính gắn liền với những sự tích; đặc biệt nơi đây cũng đã từng che giấu và nuôi dưỡng các chiến sỹ Cách mạng trong những năm kháng chiến. Mỗi di tích mang trong mình những câu chuyện huyền bí hay là những dấu ấn lịch sử quan trọng mà mỗi du khách khi đến đây đều muốn tham quan, tìm hiểu. Từ chân núi nơi chùa Thầy tọa lạc, con đường hơn 250 bậc thang dẫn lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Tiếp đó là đền Thượng, hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật; Hang Bò, hang Gió, chùa Bối Am - còn gọi là chùa Một Mái. Treo leo trên đỉnh núi Thầy là miệng hang Cắc Cớ hay còn gọi là "Thần Quang Tự" cũng là đường dẫn tới nơi sâu nhất với cái bụng rồng không đáy chưa ai tìm ra điểm kết thúc. Tục truyền, đây là nơi khởi đầu để xuống 9 tầng địa ngục, nơi có con quỷ án ngữ cổng trời, làm công việc chọn lựa các linh hồn trước khi cho lên cõi Niết bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu. Đây cũng là nơi lưu giữ hàng ngàn bộ hài cốt mà theo người dân nơi đây là của nghĩa quân Lữ Gia, những người đã hy sinh bi tráng từ 2.100 năm trước. Trong dân gian lại cũng có câu ca:
Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.
Có lẽ bởi vậy nên dẫu đường lên hang Cắc Cớ dẫu có trắc trở với những tảng đá chơi vơi, trơn trượt vẫn không làm chùn bước bao bạn trẻ, bởi họ tin rằng chùa Thầy với núi Sài Sơn, hang Cắc Cớ vẫn là chốn linh thiêng để se duyên.
Nói về Từ Đạo Hạnh, ông không chỉ là một vị thiền sư đắc đạo, mà còn là một thi nhân giai đoạn văn học thời Lý. Ông để lại bốn bài thơ đến nay là rất quý hiếm, trong đó có bài Có và không trong kho tàng thơ ca dân tộc. Từ Lộ sống giữa cuộc đời, giữa những con người trong dân gian, đó là lẽ đời thực giản dị. Ông lăn lóc giữa trần đời như ông viết trong thơ, đó là lẽ đời thường tình. Trước lúc rời bỏ cõi trần ông cũng có bài thơ Sắp mất bảo mọi người nói về cuộc đời ông – Thơ của một người sắp từ giã mọi người, ngoái lại nhìn cõi thế, nên thơ ấy điềm nhiên, bình thản, và cũng rất sâu sắc vô cùng. Chính bởi vậy, ngót ngàn năm qua, thơ thiền của Từ Lộ vẫn sống trong đời sống tinh thần của người Việt Nam ta! (trích Từ Đạo Hạnh – Thiền sư, Thi nhân, bài viết của tác giả Anh Chi trong tập Danh nhân Thăng Long – Hà Nội, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội).
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội