Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 11:36
Sông Tô Lịch – dòng sông quê hương của người Hà Nội

Tô Lịch, nhánh con của sông Cái, là dòng sông quê hương của người Hà Nội. Vốn là sông thiên nhiên, dòng Tô qua bốn nghìn năm đã đượm sắc hương huyền thoại, đượm chất thơ và đượm màu lịch sử.

 
“Sông Tô nước chảy quanh co,
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya…”
 
Cũng như con người, con sông có một đời sống. Sông Tô xưa đầy ắp nước, chở nặng phù sa sông Nhị tưới nhuần đồng Thọ Xương, Vĩnh Thuận (nay là nội thành), Từ Liêm, Thanh Trì… đến thôn Hà Liễu (huyện Thanh Oai) thì dồn nước vào sông Nhuệ. Bình thường nước chạy xuôi dòng từ sông Hồng về sông Nhuệ. Mùa nước lũ, có khi nước đồng dồn xuống sông Tô, thế nước chênh cao hơn sông Cái, nước chảy ngược dòng từ phía sông Nhuệ ra sông Hồng. Vì thế mà từ xưa (sử viết ghi từ thế kỷ VIII) sông Tô còn bị khoác thêm tên Nghịch Thuỷ (dòng sông chảy ngược).
 
Cũng như mọi sông, qua thời gian và vượt không gian, sông mang nhiều tên: sông Tô Lịch (gọi tắt là sông Tô), sông Lai Tô, sông Lương Bì, sông Địa Bảo… Có tên dân gian, có tên do phong kiến ghi từ thế kỷ VI (năm 545) và sống mãi đến ngày nay. Tên sông và dòng sông đã vào thơ và vào sử.
 
Sông nước đầy ắp, nhiều bến cảng, dòng sông đang ở tuổi thanh xuân, sống động. Sông bạc, sống vàng, sông buôn, sông bán, thuyền mành chen vai sát cánh. Con sông kinh tế cũng là con sông văn hoá.
 
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuền anh.
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình,
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu!”
 
Sông Tô của chợ búa, mà nổi tiếng nhất là chợ Bạch Mã - tức chợ Đông - ở cửa sông Tô. Sông Tô của trai thanh gái lịch những đêm trăng trong gió mát:
 
“Biết nhà cô ở đâu đây,
Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?”.
 
Sông Tô hôm nay, lòng hẹp, nông, nước ít, đục. Người ta có cảm tưởng cuộc sống sông Tô đã già cỗi, đang tàn lụi, đang lui dần vào quá khứ và chỉ còn là tưởng niệm… Sự thực không hẳn thế! Người Hà Nội vẫn đang ấp ủ một kế hoạch làm trẻ sông Tô. Đánh thắng xong giặc Mỹ, xây dựng lại Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, người Hà Nội sẽ bàn bạc với nhau cho ra lẽ để mà quyết định một bề về sông Tô, giải quyết một vấn đề nhức nhối tâm can ta bấy lâu nay. Tại sao sông Tô cạn dần đi? Điều này có liên quan đến sông Cái, đến khúc sông Cái của vùng Hà Nội.
 
Có một thời sông Nhị không chảy theo dòng bây giờ mà đã chảy một cách khác. Sự thay đổi này không có gì là lạ, vì những con sông lớn thường đổi dòng luôn trên những đồng bằng bồi tích phù sa do chính những con sông ấy tạo lập.
 
Sông xưa, khi chảy tới làng Yên Hà thì chỉ có một nhánh thôi. Nhánh ấy chảy qua Hải Bối, Chiêm Trạch, Lực Canh và Xuân Canh (nay thuộc Đông Anh). Nhưng tới Xuân Canh, nhánh ấy không chảy ngay vào sông Đuống mà cũng không chảy thẳng xuống phía Nam. Nó uốn vòng, chảy băng qua bãi Tầm Châu – mà dấu vết hiện còn là khoảng đất trũng hình lòng máng bắc ngang qua bãi gần xóm Cưu Quan.
 
Thời ấy (trước thế kỷ X) chưa có hồ Tây. Sông Nhị chảy vào hồ Tây, từ Nhật Tân xuống đến Hồ Khẩu (cửa hồ) thời có một nhánh sông con. Nhánh ấy là sông Tô Lịch, chia đôi ngả, một chảy xuống phía nam, một chảy lên bắc, qua Thuỵ Khuê, đường Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược (tên cũ: phố Sông Tô Lịch) băng qua Hàng Đường (tên cũ: Cầu Đông) rẽ vào Ngõ Gạch và phố Nguyễn Văn Siêu, rồi lại nhập vào sông Nhị ở khoảng nhà tắm công cộng phố Chợ Gạo bây giờ. Hàng Buồm xưa là phường Giang Khẩu, thời chúa Trịnh Giang (đầu thế kỷ XVIII) đổi tên là Hà Khẩu, cả hai tên đều có nghĩa là cửa sông. Cửa sông Tô!
 
Sông Tô thông với sông Hồng từ hai điểm – phía hồ Tây và phía chợ Gạo – nên ngày ấy là nhánh sông to. Mấy câu ca dao trên đã dẫn nói rõ điểm đó. Mà chứng cứ địa lý cũng rõ ràng: đi dọc sông Tô, còn thấy những doi đất cao hơn 6m chạy dài một đoạn tới 2 -3 km sóng đôi nhau trên đôi bờ, chẳng hạn từ Láng đến Ngã Tư Sở. Đó là những doi đất do phù sa sông Tô bồi cao qua lịch sử. Sông to mới có thể mang nặng phù sa để bồi những doi đất cao và dai như thế.
 
Nhưng sông Nhị đã đổi dòng, từ Hải Bối chạy thẳng về phía đông nam, không đem nước vào hồ Tây nữa, lại cuốn đất đóng hai cửa vào ra (cửa sông vào là Quảng Bá, cửa sông ra là Nghi Tàm).
 
Hồ Tây vì vậy mà thành lập. Nước sông Tô vì thế mà cạn dần đi. Thời Lý - Trần – Lê, sử chép nhiều lần nạo vét sông Tô Lịch. Có một cửa nữa thông với sông Hồng: cửa Hà Khẩu, nên sông vẫn còn to. Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ chép rằng: “Kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu ở tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hằng năm bờ sông bị nước xói vào, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê Trung hưng mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ (tức phố Hàng Buồm). Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá để hàn chắn trên thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông phía nam dần dần nổi bãi phù sa mãi ra người đến tụ họp đông dúc… Nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long (gần Nhà hát thành phố) và đều thành ra phố phường đô hội cả”.
 
Phù sa làm sông Tô tắc dần. Phong kiến suy tàn bất lực trước việc trời! Thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1883, chẳng những không nạo vét sông, lại lấp hẳn nhánh sông Tô chảy giữa nội thành để làm phố. Thế là sông Tô chết yểu!
 
Từ 1954, Hà Nội bắt đầu cho khơi lại sông Tô để thải nước sinh hoạt và nước công nghiệp, để tưới ruộng lúa, vườn rau.
 
Từ 1960, các kiến trúc sư phụ trách việc quy hoạch Hà Nội ấp ủ một dự kiến táo bạo hơn: khơi lại và làm rộng lòng Tô, cho sông trở lại tuổi thanh xuân “vừa trong vừa mát”, cho những ngôi nhà Hà Nội cao tầng soi bóng trên dòng Tô. Nhưng rồi Hà Nội phải tập trung sức người, sức của đánh Mỹ. Kế hoạch nạo vét lại sông Tô đến 1974 mới được khởi công.
 
Từ cuối những năm 1990, sông Tô Lịch được nạo vét, kè bờ, nhiều đoạn trồng cỏ trong các ô vuông để bớt đi cái cảm giác bê tông lạnh lẽo và khô cứng. Mọi cố gắng của chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng mới chỉ giải quyết được hai bên bờ. Chưa có phương án nào cho xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Tô Lịch. Dòng sông có số phận chìm nổi Tô Lịch vẫn đen xám, và mất vệ sinh.
 
Hà Nội trước kia đã nổi tiếng với những làng nghề phong phú, thể hiện qua câu thành ngữ quen thuộc “Hà Nội 36 phố phường”. Theo thời gian, bộ mặt đô thị của khu phố cổ đã nhiều thay đổi, cuộc sống và làng nghề cũng đổi thay, dòng sông Tô đã dần dần biến mất cảnh xưa…, không còn đóng vai trò quan trọng trong giao thương, giao thông tại Thăng Long - Hà Nội như trước đây nữa.
 
 
Vũ Tuân tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)