“Nùng sơn chính khí” là khí chất thiêng liêng của Hà Nội cổ. Quan niệm ấy vốn bắt nguồn từ một quá khứ xa xăm thời thần thoại. Trong kho tàng thần thoại của một cộng đồng người, có một thần thoại phủ lên một trái núi thiêng liêng, thiên tạo hoặc nhân tạo.
Trái núi này mọc ở chính giữa lãnh thổ của cộng đồng và được coi như cái trục trung tâm của thế giới. Đấy là nơi giao tiếp giữa Trời và Đất. Trên núi có đền. Quan niệm về ngôi đền núi ấy có ở trong các nền văn hoá cổ xưa ở châu Á, từ Lưỡng Hà cho tới Ấn Độ, từ Đông Nam Á cho tới Trung Hoa. Khi nước đã dựng, có vua, thì trái núi ấy là nơi giao tiếp giữa Trời và nhà vua.
Cùng một dòng tư duy thần thoại ấy, người Thăng Long xưa quan niệm núi Nùng ở giữa đất trời là Long Đỗ, núi Rốn Rồng. Trên đỉnh có “lỗ thông hơi” của núi chằm. Trên núi đó cũng có một ngôi đền núi, hẳn là ngôi đền xưa nhất của Thăng Long từ thuở đất này chưa mang tên ấy.
Hà Nội cổ có nhiều núi khác, phần nhiều là nhân tạo. Trong trại Hàng Hoa xưa (nay là vườn Bách Thảo) có núi Sưa (tên chữ: Sư Sơn); xế của Phủ Chủ tịch bây giờ, khi xưa có núi Khán. Và nào là núi Bò, núi Cung, núi ngũ Nhạc… nay đều còn dấu vết ở khu Ba Đình. Núi thiêng có đền núi. Sông thiêng có thần sông, được biểu tượng bằng rồng. Con quái vật thần thoại vốn gắn với nước này giữ bầu nước của trời, phun nước làm mưa khi “rồng mây gặp hội”. Cư dân làm ruộng lúa nước, ai chẳng mong mưa thuận gió hoà. Ngày trước, đất nước chưa được thuỷ lợi hoá, người dân quê chất phác hằng năm phải tổ chức những lễ cầu mưa và cầu tạnh. Thế là rồng nghiễm nhiên chiếm vị trí quan trọng trong vũ trụ tôn giáo thần thoại cổ. Những doi đất thiên tạo và cả nhân tạo được hình dung thành rồng uốn khúc cả. Thăng Long xưa liền được xem như đất Chín Rồng. Vốn là mười nhưng có con ăn ở bất nhân quay đầu hướng khác nên bị bẻ què. Ca dao cổ vùng Kim Mã, Thủ Lệ có câu:
“Chín con một mẹ thong dong,
Một con ăn ở ra lòng bất nhân”.
Thế giới người trần tục làm sao thì thế giới thần thiêng làm vậy!
Non sông xoắn xuý tạo thành đất nước: thế là núi Nùng cũng được đồng nhất với rồng, thành ra Long Đỗ - Rốn Rồng.
Đền núi Nùng trở thành đền thờ thần Long Đỗ, mang cả dáng dấp thần núi lẫn thần sông.
Đôi bờ sông Tô có làng, làng Hà Nội gốc. Núi Nùng được xem như ở giữa làng. Làng có đình, thờ thành hoàng, vị thần bảo vệ cho cả xóm làng. Thế là đền núi Nùng trở thành đình làng Hà Nội gốc. Và thần Long Đỗ trở thành thành hoàng làng Hà Nội gốc. Làng lớn dần, thành huyện, thành phủ thì thần Long Đỗ trở thành “Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân” (thế kỷ VII – VIII). Đất Hà Nội trở thành kinh đô cả nước (1010) thì thần Long Đỗ núi Nùng được vua Lý phong là “Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương”. Làng trở thành kinh thành, đó là phía trần tục. Thành hoàng làng trở thành thành hoàng kinh đô, đó là phía tôn giáo tín ngưỡng. Lại một lần nữa ta chiêm nghiệm một chân lý duy vật: “Thần thánh chẳng qua chỉ là sự thần thánh hoá sức mạnh trần gian” (theo Phơ-bách).
Đền thần Long Đỗ núi Nùng được dời ra ngoài Cửa Đông, thành đền Bạch Mã, nay ở số 78 phố Hàng Buồm. Còn núi Nùng nằm gọn trong hoàng thành nơi xưa là trục trung tâm giao tiếp giữa trời và nhà vua. Đền núi cổ xưa chuyển thành “điện Kính Thiên” phong kiến.
Trải qua hàng ngàn năm, vùng Hà Nội đã được bồi đắp thêm nhiều nên độ cao của núi Nùng không như xưa. Núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên – nơi còn lưu giữ đôi rồng đá tuyệt tác – trong khu thành cổ Hà Nội. Đây cũng chính là nơi thiết triều của các thời Lý, Trần, Lê, tức là nơi trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.
Quang Minh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội