Phường phố Thăng Long thời Trần
Phường được nhắc đến đầu tiên là phường An Hoa, nơi làm lễ hoả táng linh cữu cố thượng hoàng Lý Huệ Tông. Việc đó diễn ra vào trung thu năm 1226. Tháng mười âm lịch năm đó, triều đình nhà Trần tôn Trần Thừa làm thượng hoàng, ở cung Phụng Thiên về bên tả phường Hạc Kiều. Phường Cầu Hạc thì hẳn là ở bờ sông Tô Lịch. Đây vẫn chỉ là các phường cũ thời Lý.
Năm 1320, định lại các phường về bên tả hữu kinh thành. Tả tức phía đông. hữu tức phía tây kinh thành; không hiểu sao ở đây không nói tới các phường ở phía nam và phía bắc kinh thành. Sử cũ chỉ ghi rằng: “Bắt chước đời trước (tức đời Lý), chia làm 61 phường”. Lần đầu tiên trong lịch sử thành văn thấy nhắc đến số lượng phường của Thăng Long.
Các phường dọc bờ sông Cái, ngoài phường An Hoa, vẫn thấy sử nhắc tới phường Giang Khẩu, nơi chém đầu đại nghịch tặc của nhà Trần năm 1309, nơi giam Hôn Đức công Dương Nhật Lễ, kẻ chiếm ngôi nhà Trần năm 1370… Gần đó là phường Cơ Xá, cũng như thời Lý, đây là cảng và phường của dân đất bãi. Năm 1265, tháng bảy lịch trăng, lụt, toàn bộ phường này bị ngập, người và súc vật chết đuối rất nhiều. Vua Trần phải ra lệnh đại xá…
Năm 1435, Nguyễn Trãi nhắc đến các phường của phủ Phụng Thiên: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, binh khí, đồ đài, nậm, võng, ghế, vóc trừu, dù, lọng, tàn; phường Yên Thái làm giấy; phường Thuỵ CHương, phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa; phường Hà Tân nung đá vôi; phường Hàng Đào nhuộm điều; phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo điệp y. Đồ cống có gấm, đồ thêu, hương xạ, cùng ba loài kim”, thì thực tế những phường cổ truyền đã có từ thời Lý - Trần và nhiều phường - hoặc giữ nguyên hoặc chỉ đổi cái tên - vẫn tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX, làm rạng danh truyền thống thủ công Hà Nội.
Bên kia sông là Gia Lâm xứ Bắc nhưng đời sống khá gắn bó với kinh thành. Ì ở đó có khu vực Hoài Viễn (khu Ngoại giao đoàn), có phủ đệ của vương hầu, có hành cung của vua. Khu lò gốm Bát Tràng đã hình thành. Khi Nguyễn Trãi trong Dư dịa chí, năm 1435, mục “Kinh Bắc” đã chép đến: làng Bát Tràng làm đồ vật (bằng gốm), thì người có lý khi suy đoán rằng nó phải có trước thời Nguyễn Trãi, nghĩa là ít nhất là khoảng thời Trần.
Sử sách đời Trần còn chép đến các phường Tây Nhai (Tây Giai, hay Liễu Giai) ở phía tây (bên hữu) kinh thành; phường Kiều Các Đài cũng ở bên hữu kinh thành, phường Nhai (Giai) Tuấn, nơi này năm 1247, 30 thuyền biển của người Tống chống Nguyên đào vong sang ta, đem vợ con, của cải sang xin phụ và vua Trần cho ở phường đó. Họ mở phố chợ, bày bán vóc đoạn và thuốc bắc, tự gọi là người Hồi Kê, “Hồi Kê” có lẽ là “Hồi Cốt” chép nhầm, cũng tức là Hồi Hột chỉ người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương theo Hồi giáo, con cháu của người Hung Nô. Thăng Long thời Trần, ngoài khá nhiều khách thương Lưỡng Quảng, còn có người Hồi Hột từ Vân Nam qua làm ăn buôn bán.
Ngoài phường Giai Tuấn, bến An Hoa cũng là nơi thuyền buôn nước ngoài ghé cập. Đạo sĩ nhà Tống Hứa Tông Đạo đã đến Thăng Long theo thuyền buôn và ở tại bến này. Như vậy dọc bờ sông Cái, có khá nhiều bến và chợ bến: An Hoa, Đông Bộ Đầu, Giang Khẩu, Cơ Xá… Có hai bến nữa cần nói tới là bến Thái Cực và bến Thái Tổ.
Thái Cực là tên một phường ở phố Hàng Đào, xưa còn có hồ Hàng Đào nối với hồ Gươm và hồ này lại có lạch thông với sông Hồng. Vậy thuyền bè đời Trần có thể len lỏi vào tới tận phố Hàng Đào bây giờ mà bán, mà buôn.
Còn bến Thái Tổ, nơi du binh Chiêm Thành đột nhập kinh sư năm 1271 thì sử chưa rõ: “Nay là (phường) Phục Cổ”. Đó là cái phường ở khoảng phố Nguyễn Du mà đền Phục Cổ ở số nhà 16.
Ngoài những phường tiếp thu từ đời Lý, thời Trần thế nào chẳng nảy sinh ít nhiều phường mới. Phường Toán Viên chẳng hạn. Sử chép rằng năm 1362, vua Trần Dụ Tông “sai tư nô cày một mẫu ruộng ở bờ bắc sông Tô Lịch trồng tỏi, rau muống và các thứ rau dưa khác để bán, đặt tên phường đó là Toán Viên (vườn tỏi)”. Lời chua của sử cũ nói rằng cái phường đó đến đời Lê vẫn còn. Mà quả vậy, Toán Viên là nơi ở của tiến sĩ Sái Thuận, người Liễu Lâm (Thuận Quang, Gia Lâm) thời Lê Hồng Đức, ông đỗ tiến sĩ năm 1475, làm việc ở Chiêu Văn quán và Đông Các hơn 20 năm. Tại Thăng Long, ông ngụ ở phường Toán Viên.
Ở phường Vườn Tỏi mà nói đến cửa Bắc và hồ Tây thì cái phường đó không phải làng Láng như nhiều người nghĩ lầm mà phải ở đâu đó ven hồ Tây gần cửa Bắc, phía bên kia đường Phan Đình Phùng vốn ngày đó là sông Tô Lịch. 61 phường Thăng Long có phường buôn, phường thợ và phường làm nông nghiệp.
Phường thì có phố “nhai” hay “giai”, cũng là đường phố và có ngõ (hạng). Có phố giàu phố nghèo, có đường to ngõ hẹp. Từ thời Lý đã có lúc vua ban chiếu cho phép dân làm nhà ngói, sau ít năm lại xuống chiếu cấm dân làm nhà ngói. Và vì vậy nhà dân ở phố phường phần lớn là nhà tranh, không khác kẻ quê là mấy và cũng hay bị hoả tai. Đã có đê mà sử cũ chép, chẳng hạn năm 1270, “mùa thu, tháng bảy, nước to, phố ngõ kinh sư phần nhiều là phải đi thuyền”. Sông Tô Lịch được nạo vét luôn để làm cái trục giao thông chính của kinh thành (1256, 1284)…
Bách Nghệ tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội