Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 04:01
Vài nét chấm phá về tranh chơi và tranh thế sự Hàng Trống

Tranh Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu ở miền Bắc nước ta: tranh điệp Đông Hồ (ở Bắc Ninh), tranh đỏ Kim Hoàng (ở Hà Tây cũ) và tranh Hàng Trống (ở Hà Nội). Đó là những di sản nghệ thuật quý báu của dân tộc. Tranh Hàng Trống khác với tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng là chủ yếu dùng mầu phẩm đơn sắc có pha nước tạo độ đậm, nhạt khác nhau. Các nét khắc dao trổ trên tranh khá tinh vi, tỉ mỉ, cùng bố cục tranh phóng khoáng, đa dạng và thoải mái trong tạo hình chi tiết. Thuyết âm dương – ngũ hành được vận dụng trong tranh còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhất là phạm trù đạo đức (trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhân, trí, dũng…).

 
Những thay đổi đáng quý, đáng trân trọng mang khát vọng xây dựng những hình tượng văn hoá - nghệ thuật thuần Việt của nghệ nhân dân gian tranh Hàng Trống – Hà Nội bùng nở trong thể loại tranh chơi và tranh tế sự: tươi đẹp, đầy sức sống mới.
 
Đứng đầu trong thể loại tranh chơi, phải kể đến bộ tranh Tố nữ. Đây là đề tài được nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian thể hiện trên những bức tranh sơn quang dầu lộng lẫy vàng son, hoặc các mảng chạm khắc trong các đình làng ở đồng bằng Bắc bộ, từ thế kỷ thứ XVI (như đình Phù Lão, xã Hào Mỹ, huyện Lạng Giang; Đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang). Đó là các Tiên nữ thổi sáo, đánh đàn đáy, đàn nguyệt bên cạnh các Tiên nữ múa, hát tung tăng dâng trình lễ vật lên thần linh.
 
Những hội làng ở Bắc bộ còn có hát chèo, hát ả đào. Các hình thức múa hát ở hội làng có mục đích “cầu thần linh, chúc thánh thọ, vui thái bình”.
 
Thú vui chơi đậm đà màu sắc văn hoá – nghệ thuật là hát ả đào - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam. Hát ả đào thanh nhã, cao sang với những vần thơ quyện trong tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng phách rộn ràng, thánh thót… Hồn xưa dân tộc từ nơi cửa đình ở thôn làng đã truyền tới thành thị, phố xá của Hà Nội, đã tạo nên những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho bộ tranh này. Các thiếu nữ vẽ trên tranh không còn mang vẻ cổ kính như các Tiên nữ ngày xưa trong tác phẩm trang trí đình làng, mà đã mang vẻ đẹp tân thời của các thiếu nữ Hà Nội hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với tấm áo dài năm thân, cài khuy chéo ngực, tà áo buông thẳng, chít khăn, tóc bỏ đuôi gà. Qua hình tượng cụ thể của bốn cô gái để ca ngợi cái vi điệu thanh nhã của âm nhạc thánh thót, rộn ràng, luyến láy, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng thanh, tiếng đục… của nghệ thuật âm nhạc - một nghệ thuật phối âm thanh chỉ có thể cảm nhận bằng tai, xúc động tận tâm can, tình cảm, không dễ gì nắm bắt được. Thể hiện bằng nghệ thuật không gian (hội hoạ, điêu khắc) để diễn tả cái vi điệu của nghệ thuật thời gian (âm nhạc) là điều cực khó, nhưng các cụ đã có thành công nhất định trong bộ tranh Tố nữ này. Ngày nay, ta thưởng thức bộ tranh này nên cảm nhận theo hướng đó, không chỉ cảm nhận đơn thuần về vẻ đẹp của nghệ thuật hội hoạ của bộ tranh.
 
Không biết thời điểm ra đời của bộ tranh này, nhưng đây là một tác phẩm thành công về nhiều mặt của mỹ thuật dân tộc có từ trước đến thời điểm này: mới mẻ, thanh thoát mang được vẻ đẹp của tâm hồn Việt.
 
Có thể thấy, các bức tranh trong thể loại này dễ cho chúng ta nhận diện cuộc sống mang diện mạo có tính thời sự trong nội dung mà tác phẩm phản ánh, đồng thời cũng nhận diện được khuynh hướng nghệ thuật hiện thực của thời đại (đầu thế kỷ XX) đã bước vào truyền thống nghệ thuật có khuynh hướng cổ điển đậm nét trang trí đã tồn tại lâu đời ở nước ta.
 
Cách diễn tả mới trong những tranh có nội dung cuộc sống thường ngày đã phá vỡ những khuôn thức ước lệ mà tiền nhân đã để lại, nếu không thấy thích hợp. Các nhân vật đã có cá tính hơn, có tính cách điển hình hơn, khái quát được thân phận của từng loại người trong xã hội, thông qua các nhân vật mà khắc hoạ nên khung cảnh xã hội sinh động hơn như trong tranh Chợ quê – Có tên chữ Hán là Phi thương bất phú, của Thanh An hiệu. Bố cục của tranh này có sự liên kết chặt chẽ giữa các chi tiết đã tạo cho bức tranh có thần khí, linh hoạt hơn cách bố cục mang tính chất đăng đối, sắp đặt đậm chất nghệ thuật trang trí của tranh Chợ quê - thường gọi là Bần nhi lạc (nghèo mà vui) không có tên hiệu tranh.
 
Các loại tranh có nội dung ca ngợi cuộc sống dân gian như: Rước rồng, trò chơi rồng rắn, bịt mắt bắt dê, nông phu, canh nông chi đồ, nông giã thiên hạ chi đại bản đã mang một sinh khí mới, hiện thực cuộc sống mới, khác với bộ tranh “Tứ dân” có những hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ của truyền thống tranh cổ. Ở đây đã có sự cách tân rõ nét.
 
Các bức tranh có nội dung phản ánh thực tế xã hội mang tính châm biếm xã hội cũng là những tranh có hình thức thể hiện mới trong phong cách nghệ thuật như: Công cử, Hiểu dụ, Duyệt binh, Hội Tây bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Lão Thủ thử tân (Đám cưới chuột), Khai trường nhập học (Thầy Đồ cóc) cũng mang lại khí sắc mới, tươi tắn, sinh động hơn các loại tranh thờ, tranh chúc tụng truyền thống.
 
Quang Thái tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)