Thăng Long – Thành phố rồng bay
Độc đáo và sáng tạo, vì không lấy chữ sẵn trong sách và trong khối địa danh sẵn có ở phương Bắc như người ta vẫn thường làm trước đó và cả sau đó nữa (như trường hợp tên “Hà Nội”).
Ý nghĩa lớn, vì tên gọi “rồng bay” vạch được khí thế mạnh mẽ vươn lên của kinh thành đất nước. Và hữu thức hay vô thức, nó ẩn tàng ý thức về nguồn, gợi nhớ gốc Tổ Rồng Tiên. Tựa như lời thượng hoảng Trần Nhân Tông nói với vua Anh Tông và Quốc công Quốc Tuấn: “Nhà ta vốn là dân hạ bạn, đời đời ưa chuộng hùng dũng… thích hình rồng vào đùi để tỏ ra quên gốc”.
Rõ ràng rồng là một biểu tượng của dũng mãnh, tung hoành; (“Rồng mây gặp hội, anh hào ra tay”). “Vân tuỳ long, phong tuỳ hổ”, rồng gắn với mây cũng như hổ gắn với gió. Theo triết lý cổ truyền, “tướng” (dáng vẻ) và “dụng” (chức năng) của rồng là dương (vùng vẫy, làm mưa làm gió) nhưng “thể” (bản chất) của rồng thì lại là âm (tiềm phục, ôn nhu). Rồng là con vật uyển chuyển có nhiều trạng thái, thích ứng với hoàn cảnh, môi trường: Tiềm long, Hiện long, Phi long… Có nghĩa là biểu tượng rồng đã thống nhất những mặt đối lập mâu thuẫn biện chứng, cũng là biểu tượng của tính cách Việt Nam, rất dũng cảm mà cũng rất nhu hoà, tuỳ thời, tuỳ lúc…
Rồng Việt Nam, thời Lý, là “rồng rắn”. Loài có vẩy ở nước, ở thế giới dưới nước và theo huyền thoại, là kẻ giữ bầu nước trong thiên hạ. Khi cần, khi gặp cơ hội, rồng bay lên trời, cuồn cuộn trong mây, gây mưa, làm mưa, tưới nhuần vũ trụ, cho cây cối tốt tươi, cho phong đăng hoà cốc. Bởi vậy, rồng – mây – mưa – mùa màng xâu chuỗi thống nhất trong suy tưởng của người xưa. Rồng là biểu tượng chính xác nhất của một quốc gia Đại Việt xây dựng trên nền gốc văn minh nông nghiệp.
“Rồng bay lên” là mưa. Và nếu mát là mục đích gốc của sự ở, của cái nhà, thì mưa lại là gốc của sự ăn, sự uống, của cơm nước ngày xưa.
Như thế, việc Hà Nội cổ được đổi tên là thành phố “Rồng bay”, có phải chỉ đơn giản là, như sử cũ chép: khi dời đô, “thuyền tạm đỗ ở dưới thành (Đại La) có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”?
Dời đô là một việc rất lớn, rất lớn. Việc lớn ngày xưa, nhất lại là một do nhà vua chủ trì, không thể không kèm theo nghi lễ. Lễ thức là bắt buộc. Một gia đình làm nhà mới, một bản, một buôn làng, dời đến nơi ở mới, nhất nhất đều có nghi lễ kèm theo. Và không phải lúc nào cũng bóc tách được đâu là nghi thức, đâu là hàn vi thực trong sự việc đời xưa. Khởi đầu việc làm nhà mới, dựng cung diện, phải cử hành nghi thức “tôn cơ” (dựng nền). Dời buôn đến nơi mới, đồng bào Thượng ngày trước phải cử hành nghi lễ “đặt máng nước”. Nghi lễ ấy nhằm cầu cúng thần đất, thần nước, thần núi, thần sông…, cầu mưa thuận, gió hoà, người vật phồn thịnh, mùa màng tươi tốt (“bản yên, người khoẻ, lúa tốt, cá nhiều”).
Trong nghi lễ dời bản, cầu mưa, tiến hành ma thuật vẩy nước, bắc nước chảy về buôn bản, người sơn cước ngày trước (như miền Tây bắc, người Thái) tin rằng có “rồng hiện”, “rồng bay”… Hội nước, lệ đua thuyền mùa thu nước lên (và là “thuyền rồng”, hình rồng, vẽ rồng…) đều là nghi thức của một vùng cư dân nông nghiệp miền Đông Nam Á, là “nghi thức nông nghiệp”, như các nhà dân tộc học thường gọi. Vậy có phải là tình cờ không, khi đoàn thuyền rồng vua Lý dời đô từ Hoa Lư đến Đại La lại đúng vào mùa thu, tháng bảy, mùa của hội và nghi lễ đua thuyền Việt Nam?
Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong mây. Vì thế vua mới xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra Thăng Long. Đây là một cái tên đẹp, hàm chứa đầy niềm tin tưởng và lòng tự hào về đất vua chọn để đóng đô. Thăng Long có nghĩa là “rồng bay lên”, mà rồng cũng là biểu trưng của đế vương.
Vậy, ta có thể hình dung rằng: trong việc dời đô, vua Lý phải tiến hành nhiều nghi thức: đầu tiên là nghi thức bơi thuyền rồng đầu thu; trong hội đua thuyền nhân thể là dịp dời đô đó, nhà vua đến dưới chân thành Đại La, dừng thuyền rồng, làm lễ tế thần, cầu mưa thuận gió hòa, người vật phong phú, mùa màng tốt tươi. Lúc ấy và trong không khí ấy, người ta tin rằng có rồng hiện và rồng bay… Nhân đó, người ta tiến hành nghi lễ quyết định đổi tên kinh thành. Và từ đó Việt Nam ta có thành phố “Rồng bay”…
Như Quỳnh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội