Vài nét cơ bản về tranh chúc tụng Hàng Trống
Chẳng hạn như tranh Đông Hồ vẽ đàn gà, đàn lợn có ý nghĩa cầu mong đông con nhiều cháu, gia cảnh phồn vinh, thịnh vượng, dù không viết chữ trên tranh nhưng ai cũng dễ nhận ra ý tưởng gần gũi, thân quen đó.
Tranh gà trống, gà mái và đàn gà con (tranh Đông Hồ) có viết thêm dòng chữ Nôm: “Có đầu, có mỏ, đủ chồng, no vợ” với hình tượng có ý cầu phúc cho sự sum vầy, hoà thuận trong gia đình giữa bố mẹ và con cái, một gia đình biết nhường nhịn, tần tảo, yêu thương nhau. Ngoài ra lại còn có ẩn ý rằng con gà có tên chữ Hán đọc là kê, gần với âm cát có nghĩa là tốt lành, cho nên người ta hay vẽ tranh có hình ảnh con gà để cầu mong những điều tốt lành.
Như thế vẫn chưa nói hết ý nghĩa. Theo hai bài thơ đề trên hai tranh Gà trống của làng tranh Kim Hoàng, nguyên văn như sau:
Thần Kê ngũ đức thái phượng hình
Cảnh thượng Côn Lôn đẩu hoán thanh
Quỷ khốc thần kinh tà tẩu tán
Trấn chi môn hộ, thọ trường sinh
Dịch ý là con gà trống có 5 đức tính của người quân tử (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) có hình dáng tựa như chim phượng (trong tứ linh: Long, ly, quy, phượng). Tiếng gà gáy vang động tận đỉnh núi Côn Lôn. Quỷ khốc, thần kinh, ma tà chạy tan tác. Giữ gìn cho người được khoẻ mạnh sống lâu.
Đông phương di hiệu thực tà thần
Kim cự hoa khôi ngũ thái văn
Hộ hộ khả linh quần quỷ tỵ
Môn môn trùng khánh vạn niên thanh
Dịch ý là lúc gà gáy sáng, vừng đông hiện lên, trời đất như nuốt trôi đêm tối ảm đạm cùng các tà ma. Con gà trống có cựa vàng, mào hoa và năm móng sắc, là con vật linh đuổi hết bầy quỷ, phù hộ cho nhà nhà luôn luôn may mắn, vui vẻ, tươi tốt quanh năm.
Vậy, có thể thấy qua hình tượng một con gà trống, ta có thể cảm nhận nhiều lớp văn hoá phủ chồng lên nhau. Trước hết là di hưởng của tục thờ thần Lửa, thần Mặt Trời có từ thời cổ đại, sau đó là lớp văn hoá Nho giáo để ca ngợi nhân cách, đức tính của người quân tử, kết hợp với lớp văn hoá xã của người dân Việt Nam xưa.
Những hình tượng tượng trưng mang ý nghĩa ẩn dụ đó xuất hiện liên tục, dày đặc, chồng chéo trong loại tranh chúc tụng này của tranh Hàng Trống.
Những chữ Hán phù hợp với hình tượng nào (như tên gọi một loài vật, một loài cây, một loài thú được vẽ trong tranh, thường có âm đọc gần với một chữ khác có nghĩa là chúc phúc - thường gọi là đồng âm dị nghĩa): con dơi có tên chữ Hán là bức có tự dạng gần chữ Phúc, cho nên con dơi được dùng làm hình ảnh cụ thể thay cho một ý niệm trừu tượng: Cầu mong về hạnh phúc. Năm con dơi là hình ảnh cụ thể tượng trưng cho ý niệm ngũ phúc (năm điều phúc): Phúc, lộc, thọ, khang, ninh.
Con cá có tên chữ Hán là ngư. Có âm đọc gần giống với chữ dư là dư thừa. Người ta vẽ con cá là cầu mong có của cải, hạnh phúc dư thừa, nhưng con cá ấy phải là cá chép có ý nghĩa từ điển tích cá chép vượt vũ môn để hoá rồng, còn mang ý nghĩa cầu chúc cho người học trò đi thi cử thành đạt, có sự nghiệp hiển hách, thay đổi thân phận từ tầng lớp thấp trở thành người ở tầng lớp cao có quyền, có lực, uy danh. Hay trong Lý ngư vọng nguyệt của Hàng Trống lại có thêm mặt trăng, có ý nghĩa từ điển tích thiềm cung triết quế (bẻ quế cung trăng) vươn tới những thành quả còn cao sang, khó khăn, vinh hiển hơn. Như vậy, tranh Lý ngư vọng nguyệt phải qua ba lớp ý nghĩa ẩn dụ. Người không có điều kiện học hành chữ Hán, không am hiểu văn hoá Hán chỉ tiếp nhận được vẻ đẹp nghệ thuật của tranh, còn nội dung của tranh có những ẩn ý sâu sắc khó lòng hiểu được nếu không được ai luận giải. Đó là những hạn chế của loại tranh chúc phúc này.
Những nghệ nhân dân gian Hàng trống đã tìm cách đổi mới hình ượng nghệ thuật vẽ trên các loại tranh. Đổi mới cả về nội dung đề tài và hình thức thể hiện. trong loại tranh chúc phú này, có bộ tranh Tứ quý (4 mùa) vẽ các loại hoa quả thân thuộc với người Việt Nam như: quả na, quả vải, quả lựu, quả đào, mỗi thức quả tượng trưng cho một mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Vừa ca ngợi vẻ đẹp của cảnh vật quê hương lại có ý nghĩa chúc tụng hạnh phúc tươi đẹp sẽ đến với các tầng lớp trẻ, già, trải qua năm tháng của đời người một cách tươi đẹp, như ý nghĩa truyền thống của loại tranh có chủ đề tứ quý này. Điều này cho thấy một khát vọng xây dựng hình tượng văn hoá nghệ thuật thuần Việt, chống lại những quan niệm, hình thức nghệ thuật ngoại lai kể cả của Trung Quốc và của phương Tây. Đó là những thay đổi đáng quý, đáng trân trọng và đã có thành quả trong thực tế.
Như Minh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội