Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/03/2016 04:28
Sắc màu hồ Tây trong văn học

Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Chẳng thế mà bấy lâu nay nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ... với nhiều bài hát, bài thơ viết về Hồ Tây, viết ở hồ Tây làm nao lòng người.

 
Hồ Tây là một thắng cảnh, nước một dải bát ngát, trời lẫn mây với mặt nước hồ; cây cỏ đình miếu, sương sớm, trăng khuya… cảnh vật muôn hình muôn vẻ đều là những đề tài cho bao nhiêu tao nhân mặc khách cổ kim. Tác phẩm văn học nào có nói đến thắng cảnh Hà Nội cũng để hồ Tây lên hàng đầu. Bởi “Hồ Tây đẹp như nàng Tây Thi”
 
Thơ phú về hồ Tây trước đây quả là phong phú. Từ bậc vương tôn đến các danh sĩ, ai cũng muốn dùng ngòi bút tả lại cảm xúc và tâm sự mình, để lại một chút tên tuổi gắn với cảnh trời xanh nước biếc thơ mộng đến nao lòng này.
 
Thơ Lê Hữu Trác, Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đời Lê, Miên Thẩm, Trần Bá Lâm, Vũ Tông Phan đời Nguyễn cộng với bao thơ văn khác của tác giả khuyết danh cũng không kém phần chải chuốt du dương.
 
Văn học với hồ Tây còn có cuộc bút chiến nổi tiếng giữa Nguyễn Huy Lượng với Phạm Thái đời Tây Sơn những năm đầu thế kỷ XIX. Bài phú “Tụng Tây Hồ” văn chương cẩm tú tỏ ra tác giả Nguyễn Huy Lượng là một cây bút già dặn, bài phú đã dài với 88 câu vừa dài vừa ngắn, lại độc vận (vần hồ), đã tả được mọi khía cạnh của hồ Tây: cảnh đẹp, truyền thuyết lâu đời, sản vật đặc biệt, cư dân… thật là đầy đủ. Một áng văn tuyệt tác. Thế mà Phạm Thái lại viết một bài phú hoạ lại (cùng số câu, cùng vần), gọi là “Chiến tụng Tây Hồ”. Vừa hoạ lại, vừa đả kích: chống lại về hình thức thì đối chọi từng câu từng chữ, chống lại về nội dung thì bác bỏ có khi thoá mạ, những ý kiến của bài trên.
 
Vì sao có hiện tượng kỳ lạ như thế? Hay Phạm Thái không thấy cảnh đẹp đáng trân trọng của hồ Tây hay sao? Không thấy giá trị lịch sử văn hoá của hồ Tây sao? Nhưng Phạm Thái vốn là một nhà thơ, một con người đa cảm cơ mà!
 
Ở đây thơ văn đã bị dùng làm công cụ chính trị không hợp thời. Nguyễn Huy Lượng làm bài Phú tụng Tây Hồ nhân dịp vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản ra Bắc thành đầu năm Tân Dậu 1801 làm lễ Tế giao (tế Trời Đất) nhằm đề cao triều đình Tây Sơn; Phạm Thái, một người thuộc phái phù Lê chống Tây Sơn, ghét Huy Lượng xu thời, vì bọn quý tộc mới Tây Sơn khi ấy đã thối nát, thoái hoá làm mất lòng dân, không còn được sự ủng hộ như ở thời Quang Trung nữa, thì có gì mà ca tụng, nên Phạm Thái đã đả kích thâm ý của Huy Lượng. Trong văn học Việt Nam có nhiều giai thoại tương tự, chính kiến mâu thuẫn nhau đã lái ngòi bút nhà văn, nhà báo theo mục tiêu riêng của họ.
 
Thơ văn đề vịnh hồ Tây khá nhiều. Có những bài văn chương chải chuốt về ý cũng như về lời. Có bài sử dụng đến cả tiểu xảo ngôn ngữ. Ví dụ bài thơ đọc xuôi đọc ngược đều có nghĩa, không lạc đề, vẫn hay như:
 
Vịnh Tây Hồ
 
Đầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ
Trước tự trời kia khéo họa đồ.
Mây lẩn nước xanh, màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm, vẻ in châu.
Cây la tán rợp từng cao thấp
Sóng rợn cầu tân nhịp nhỏ to.
Bày khéo thú vui non nước đủ
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so
(Khuyết danh)
 
Đọc ngược:
 
So đâu dễ ấy giá hồ Tây,
Đủ nước non vui thú khéo bày
To nhỏ nhịp tân cầu rợn sóng
Thấp cao từng rợp tán la cây
Châu in vẻ, thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu, xanh nước lẩn mây
Đồ hoạ khéo kia trời tự trước
Hồ Tây cảnh lạ thực vơi đầy.
(Có tài liệu nói là của Nguyễn Huy Lượng).
 
Nguyễn Quý Đức có một bài thơ chữ Hán vịnh hồ Tây, nếu đọc ngược loại hoá ra bài thơ chữ nôm. Bài thơ trích hai câu dưới đây làm ví dụ:
 
Thuyền chứa nguyệt đài ngâm ánh tuyết,
Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương
(Sương đầm biếc diệp hoa lồng viện,
Tuyết ánh ngâm đài nguyệt chứa thuyền)
 
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài Chơi Hồ Tây nhớ bạn như sau:
 
Phong cảnh Hồ Tây chẳng khác xưa
Người đồng châu trước biết bao giờ
Nhật Tân đê lở nhưng còn lối
Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ
Nọ vực Trâu Vàng trăng lại bóng
Kìa gò Phượng Đất khói tuôn mờ
Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy
So dạ hoài nhân chửa dễ vừa
 
Ca dao về hồ Tây:
 
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
 
Câu đối về hồ Tây:
 
Trên cổng làng Yên Thái phía đường Thụy Khuê còn một đôi câu đối:
Mỹ tục thuần phong, vĩnh chiếu Tây hồ minh kính
Thiện ngôn hảo sự, trường lưu mạt lị danh hương
(Tạm dịch:
Mỹ tục thuần phong mãi mãi chiếu trên gương nước hồ Tây,
Lời hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài).
 
 
Như Ngọc tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)