Hồ Tây và những huyền thoại
Hồ xưa kia rộng dài từ tây qua bắc sang đông. Người Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh – qua thời gian ngăn đắp và lấp từng đoạn, thành hồ Cổ Ngựa, hồ Trúc Bạch (hồ Giặt Lụa), hồ Tây. Đê Cố Ngự - qua văn bia cổ chùa Trấn Quốc – (chùa từ bờ đê dời vào bán đảo hồ Tây năm 1616) được đắp ngăn hồ khoảng 1620. Cố Ngự Yển – nghĩa đen là đập ngăn nước – sau đọc chệch thành đường Cổ Ngư và nay là đường Thanh Niên.
Theo thần thoại và truyền thuyết, thần thoại suy nguyên dẫn ta trở về với một hồ Tây huyền thoại. Tư duy lưỡng hợp (chia hai – hoà một) thời thần thoại hình dung có nước thì phải có non. Hồ Tây có nước. Dưới nước có thuồng luồng, rùa, giải… sau hoá thân thành Long Vương, thành Lạc Long Quân. Giữa hồ Tây có núi. Không phải núi đá, mà núi gỗ tầm, những cây gỗ tầm cổ, mọc thành rừng, cao to như núi cho nên thường gọi là núi. Núi và rừng vẫn thường lẫn lộn. Trên bờ hồ phía tây nam – nay là Yên Ninh. Yên Quang – tre ngà cũng mọc thành rừng: rừng tre ngà. Núi rừng có hổ, voi, cầy, cáo, trâu rừng… Từng ở giữa và ven hồ, nên đặc biệt có rái cá, con vật vừa ở nước vừa ở cạn. Non nước hoà làm một - lưỡng hợp – thì con vật biểu trưng là rái cá, thấy chạm khắc trên trống đồng (Hà Nội có trống đồng Ngọc Hà, Giao Tất, Trung Màu…). Non nước lưỡng phân thì thế lực dưới nước được biểu tượng bằng thuồng luồng, rùa, giải, rồng, Long Quân…; thế lực trên núi (cạn to như núi) được biểu tượng bằng ông Khổng Lồ (cao to như núi) hoặc bằng một con quái vật nào đó của núi rừng.
Hai thế lực vừa đối lập vừa hoà đồng, vừa tương sinh vừa tương khắc. Vì thế hồ Tây có huyền thoại “bến bắt thuồng luồng”. Bến ở phía tây hồ, thuộc địa phận làng Xuân Tảo. Tục truyền đời Hùng Vương, trong hồ có con thuồng luồng thành tinh ẩn nấp lâu ngày. Một bà mẹ xuống bến rửa chân, bị thuồng luồng nuốt. Nhưng con của mẹ lại là ông Khổng Lồ - thần núi (đền Quán La – Xuân Tảo – sau là đền Phù Đổng Thiên Vương) đã xuống giết thuồng luồng cứu mẹ. Quái vật dưới nước cũng có khi là con giải. Cho đến gần đây, người dân chài Hà Nội vẫn tin rằng khúc sông Hồng từ bến Chèm đến bến Phà Đen xưa nay không bao giờ có giải. Vì sao? Vì có ông Khổng Lồ dạng chân qua đôi bờ sông Hồng khua bắt giết giải báo thù cho mẹ, từ đó giải khiếp kinh, không dám bén mảng đến vùng sông nước kinh thành! Đó là hai trong nhiều huyền thoại về thế lực Non thắng Nước. Cũng có huyền thoại về Nước thắng Non: đó là chuyện Hồ tinh. Tục truyền dưới núi giữa hồ có con cáo trắng chín đuôi, sống hơn ngàn năm, thành yêu quái, khi hiện thành người. Long Quân liền dẫn các loài thuỷ tộc, dâng nước lên cùng sấm gió phá hang cáo. Cáo trắng chín đuôi bỏ chạy, quân thuỷ tộc đuổi theo, bắt cáo nuốt ăn. Nơi này trở thành vực sâu, sau gọi là “đầm Xác Cáo”. Đất phía tây hồ, dân làm nhà ở, làm ruộng vườn, gọi là Hồ Thôn (làng Hồ Khẩu nay). Huyền thoại đã được pha thêm cách giải thích tên đất theo từ nguyên học dân gian, từ “hồ” là đầm hồ đã chuyển thành “hồ” là con cáo. Và địa danh “Hồ Khẩu”, “Cáo Đỉnh”… nay được gắn cho một nghĩa lý hẳn hoi…
Với thời gian, người ta lại ghép thêm yếu tố mới vào câu chuyện cũ. Long Quân, vị anh hùng văn hoá có công diệt Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh trên ba miền đất nước (biển - đồng bằng – núi rừng, trở thành bộ hạ của đức Huyền Thiên Chấn Vũ Đế - vốn là thần trấn phương bắc của thần thoại Trung Quốc. Huyền Thiên giáng trần diệt Hồ tinh! Và quán Chân Vũ – ta gọi quen là quán Trấn Võ hay đền Quan Thánh - mọc lên bên bờ hồ Tây, đánh dấu sự hình thành của Đạo giáo Việt Nam. Thời Lý là quán Bắc Đế. Thời Lê, năm 1677 đã đúc “tượng đồng Trấn Võ”, nặng 4 tấn, cao 3,76m. Huyền thoại càng ngày càng bị xuyên tạc để phục vụ tôn giáo! Ở Hàng Châu, Trung Quốc, có Tây Hồ, cũng gọi là Kim Ngưu hồ (hồ Trâu Vàng). Bằng loại suy, hồ Tây Hà Nội cũng có tên hồ Trâu Vàng. Và câu chuyện trâu vàng của phương Bắc được Việt Nam hoá: núi Tiên Du có trâu vàng. Nhà sư lấy tích trượng yểm trán trâu. Trâu bỏ chạy, húc đất thành thôn Húc, quần đất thành cũng Trâu Đằm (Văn Giang, Hải Hưng), chạy ngược lên, đường trâu chạy thành sông Kim Ngưu, trâu ẩn vào hồ thành hồ Trâu Vàng tức hồ Tây! Lại có chuyện sư Không Lộ (tức Lý Quốc Sư) có tài thu hết đồng của phương Bắc, đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh lên, trâu vàng phương bắc nghe tiếng chuông ngỡ tiếng mẹ gọi, chạy sang ta, quần mãi đất sụp thành hồ rồi xuống đó ẩn, đó là hồ Trâu Vàng hay chính đó là hồ Tây! Sư Không Lộ - vì cái tên gần gũi - lại được đồng nhất với ông Khổng Lồ của huyền thoại, được thợ đúc đồng Hà Nội - Huế và cả Tây Nam Bộ thờ làm tổ sư nghề đúc đồng. Hà Nội có đền Lý Quốc Sư. Chùa Thần Quang bên bờ hồ Tây, trong vùng Ngũ Xã đúc đồng cũng thờ vị tổ sư đúc đồng Không Lộ - Khổng Lồ đó! Huyền thoại, tôn giáo và lịch sử xoắn chặt lấy nhau tưởng không gỡ ra được nữa!
Hồ mù sương nên gọi là Dâm Đàm. Vua Lý đi chơi thuyền xem bắt cá trên hồ mù sương, thấy hổ nhe răng múa vuốt chực vồ mình, sai người dân chài Mục Thận - người Tây Hồ - quăng lưới bắt hổ. Hổ lại hoá ra thái sư đầu triều Lê Văn Thịnh! Vua tin nhảm, quan học ma thuật cũng tin nhảm. Kết cục, thái sư bị đày lên nguồn sông Chu (Thanh Hoá) và người dân chài làng Tây Hồ được phong hầu và được vua ban đất Tây Hồ làm thực ấp!
Hồ Xác Cáo - hồ Trâu Vàng - hồ Mù Sương - hồ Tây…, mỗi tên gắn với một câu chuyện truyền kỳ. Viết về hồ Tây, phải có riêng một pho sách! Nhưng xin kể thêm một chuyện này về sự hoà hợp Nước – Non và cội nguồn dân tộc: trên bờ hồ Tây, về góc tây bắc, địa phận làng Nhật Tân, ở ngoài đê, có bảy cây gạo. Tương truyền bà Lạc phi - vợ Lạc Long Quân – sinh một bọc bảy cái trứng, đem bỏ ra đấy. “Trứng rồng lại nở ra rồng”, bảy trứng nở thành bảy rồng, bay khắp nước non. Bà mẹ bèn trồng bảy cây gạo ở đó để ghi dấu chân con! Vì thế, ta bắt gặp ở hồ Tây Hà Nội nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” đọng lắng đủ mọi chủ đề thần thoại Việt Nam giàu chất thơ và chất mộng! Bởi hồ Tây - tấm gương của Long thành đượm chất lãng mạn, huyền ảo nên thơ!
Như Minh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội