Sản vật và sản phẩm hồ Tây một thời
Hồ Tây trước đây có nhiều sen, về mùa hạ, ven bờ hồ, sen mọc kín, lá xanh rờn hoa đỏ bát ngát, gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng. Về tháng 6 tháng 7, ở chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh người ta bán từng gánh lớn hoa sen cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhuỵ ướp chè. Rồi mùa thu sang cùng với lá sen già gói cốm Vòng đẹp mắt ngon miệng vì hương sen, hương cốm quyện lấy nhau, người ta bày bán những mẹt hạt sen chua bóc vỏ đen nhánh, mua về làm vị thuốc, làm thức ăn, nấu chè hoặc làm nhân bánh, hoặc hầm thịt chim.
Cùng với sen là cà cuống. Cà cuống hồ Tây nhiều vô kể, bán nguyên cả con hay khêu lấy bầu hưng cà cuống bán từng lọ con để làm gia vị; những món ăn thiếu món chén cà cuống, những món nấu cỗ, nhân bánh chưng, bún thang mà thiếu vị cà cuống là giảm đi bớt giá trị. Một thứ gia vị đi vào các gia đình trong bữa cơm người thành thị Hà Nội.
Đặc sản của hồ Tây còn chim sâm cầm, vịt trời, cốc đen, chim ngói, cá chép, tôm hồng.
Chim sâm cầm là loài chim di thê, cứ sắp đến mùa rét thì chim từ phương Bắc bay về từng đàn hàng vạn con; chim này thường lấy hồ Tây làm nơi trú ẩn, tập trung ỏ góc bờ phía làng Nghi Tàm - Quảng bá: ở đây nhiều cây, kín gió bắc và lặng sóng. Chim có tên là sâm cầm vì tương truyền nó ăn rễ sâm ở phương Bắc nên thịt nó thơm và bổ. Trước kia hàng năm dân làng ven hồ phải bắt chim cung tiến vua ở Huế. Cuối đời Tự Đức lệ này mới được bãi bỏ vì dân làng ở hồ Tây đấu tranh chống thói tham nhũng của bọn quan nha thừa dịp sách nhiễu dân lành, đó là công của Lý Râu (tên thực là Nguyễn Hữu Khang, còn gọi là Lý Chắm), lý trưởng làng Tây Hồ (Truyền thuyết ven hồ Tây).
Hồ Tây mặt hồ rộng, nước cả, tất nhiên là có đủ loại thuỷ sản tôm cá cua ốc ba ba. Và nổi tiếng có thứ cá chép mình đỏ và thứ cá chép mình trắng, và óng ánh như pha lê; có thứ cá trắm đen, đen như mực tầu và mượt như nhung the. Cá sống lâu năm, nhiều con nặng tới ba hoặc bốn kg; đã có lần dân chài hồ Tây đã đánh được những con cá nặng trên ba chục ký.
Tôm hồng là một đặc sản khác của hồ Tây, những ai đã được thưởng thức bánh tôm trên đường Cổ Ngư, bánh bột rán trên điểm mấy con tôm mới đánh ở hồ lên, tôm tươi vị rất ngọt, bánh rán mỡ bùi béo ăn với rau sống, nước mắm dấm ớt, thì tật khó quên. Sau này người ta nuôi cá ở hồ Tây, cá mè dễ nuôi chóng lớn; thả cá mè để được năng suất cao. Hồ Tây ít dần những giống tôm cá nói trên.
Phải chăng vì hồ Tây từ ngày thành phố mở rộng tới đây, những sản phẩm sen, cà cuống, tôm hồng sẵn có đã hiếm đi không? Sen quanh hồ bị vớt bỏ để thả cá đại trà, chỉ còn trừ mấy chỗ bên chùa Trấn Quốc để làm cảnh. Cà cuống không có, sen cũng không có nhiều nữa. Tôm cá không đủ chỗ kiếm ăn lại thêm những chất thuốc trừ sâu, chất thải của những xí nghiệp giấy, nhuộm ở khu dân cư làng xóm quanh bờ ngày một nhiều làm hại đến sinh trưởng các loài sống trong hồ. Rồi lại Nghi Tàm - Quảng Bá xây dựng nhiều công trình khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ mát cho các cán bộ cao cấp, chỗ tắm và bơi lội, chèo thuyền, và cả dân làng ven hồ, do đất chật người thêm đông, đã chặt bớt cây cối, phát quang đường sá, các loài chim không còn chỗ ẩn và thiếu cả mồi ăn, hàng năm chúng không về đông như xưa nữa.
Những chỗ không có sen ngăn sóng, cây cối thưa dần, như ở bên bờ phía tây hồ chịu sóng vỗ theo chiều gió đông nam, đất bị lở dần, khu vườn chùa Thiên Niên bị sạt mất những khoảng lớn làm trơ những ngọn tháp của nhà chùa, những ngôi mộ ký táng xây gạch, và nước vào đến gần sân chùa.
Hồ Tây từ xưa vốn là nguồn sinh sống của dân những làng quanh hồ. Nghề chài lưới đi đôi với nghề cày cấy trồng màu làm vườn và một số nghề thủ công dệt, giấy. Trong thời thuộc Pháp, chính quyền đặt lệ đấu thầu đánh cá, chủ thầu là người Pháp, họ cho nhiều người Việt Nam thầu lại. Có người thầu thì có người canh giữ không cho ai dám trộm cá; dân làng ven hồ chỉ là những người đánh cá thuê cho chủ thầu. Chủ thầu cá hồ Tây thời Pháp có nhiều người có cơ nghiệp ở quanh hồ như Chánh Đức (có nhiều nhà ở phố Thuỵ Khuê). Sáng sáng sương chưa tan đã nghe rộn lên khắp nơi trong hồ tiếng dùi gõ vào mạn thuyền đuổi cá xô về phía có lưới chăng.
Sau năm 1958, Quốc doanh Nuôi cá hồ Tây được thành lập, là của chung của xã hội chủ nghĩa, người quốc doanh không canh giữ nổi – có khi lại còn về hùa với bọn đánh trộm cá trong hồ - nên doanh thu kém thời trước. Đó là do tại môi trường nước hồ hay tại bọn đánh trộm cá tự do hoành hành? Nhưng chỉ biêt là trong có mươi năm, dân những làng quanh hồ, nhất là Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Trích Sài… nhiều người giàu có hẳn lên, xây nhà gạch, sắm đồ đạc sang trọng với tiền bán cá đánh bắt được ở hồ, coi như cái lộc “chim trời cá nước”.
Như Trang tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội