Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/03/2016 05:47
Văn Miếu - Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.

 
Thời Lý - Trần suốt bốn thế kỷ (1010 – 1400) triều đình đã từng xây dựng ở trong nước khá nhiều những công trình kiến trúc mang nhiều giá trị văn hoá (kiến trúc, tôn giáo, học thuật…). Các vua triều Lý mộ đạo Phật, coi Phật giáo là quốc giáo trong suốt hai thế kỷ XI và XII, đến đầu đời Trần, lòng mộ đạo Phật cũng không giảm sút. Thế là định đô ở Thăng Long rồi năm Canh Tuất 1070, triều Lý đã cho dựng ngay toà Khổng Miếu ở phía nam Kinh thành. Ban đầu mới chỉ là một ngôi miếu thờ Chu Công, Khổng Tử và bốn môn đồ của khổng Tử. Cùng thời gian, Lý Thánh Tông lo tổ chức việc học một cách chính quy và năm Ất Mão 1075 mở khoa thi đầu tiên (trong số 10 người trúng tuyển, Lê Văn Thịnh đã đỗ thủ khoa). Và năm sau, Khổng Miếu được mở rộng thành nhà Quốc Tử Giám, tức là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam. Học trò Trường Quốc Tử Giám chọn trong số các hoàng tử hoàng tộc và con em các gia đình quý tộc đại thần, thày dạy trong trường là những bậc hay chữ có tiếng ở trong nước. Từ đó việc học được đề cao, nho sĩ được trọng vọng. Năm Bính Dần 1086, những người đỗ cao trong các kỳ thi được đưa vào Viện Hàn Lâm, Mạc Hiển Tích là người đầu tiên được cái vinh dự đó.
 
Năm Bính Tý 1156 triều Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành làm phụ chính cầm quyền, ông cải cách lại việc chính trị, mở mang việc học; Khổng Miếu chỉ thờ có một mình Khổng Tử không có Chu Công và bốn môn đồ. Sang đến triều Trần việc học được sửa đổi, bắt đầu có khoa thi Thái học sinh (tiến sĩ) từ Nhâm Thìn 1232, và đặt ra tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa – khoa Đinh Mùi 1247 Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn). Quốc Tử Giám được sửa chữa mở rộng thành quốc học, tuyển cả con nhà thường dân học giỏi vào học.
 
Trong nhà Quốc học, miếu thờ lúc đầu chỉ có bài vị Khổng Tử, coi như tổ sư đạo nho, bực danh nho; vua Trần Nghệ Tông đầu tiên đưa Chu Văn An vào cùng thờ ở nhà Quốc học. Sau lại thêm hai người nữa là Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình (đến thời Hậu Lê, triều đình chỉ công nhận riêng có Chu Văn An là xứng đáng được thờ chung với Khổng Tử thôi). Nhà Hậu Lê còn làm hơn nhà Trần: dựng bi tiến sĩ đỗ trong các kỳ thi Hội. Đó là sáng kiến của Lê Thánh Tông, một ông vua anh hùng về quân sự, lỗi lạc về chính trị, lại là một thi sĩ có công với văn học, tự nhận là chủ hội Tao đàn. Bia tiến sĩ cùng với toà Văn Miếu tồn tại đã đánh dấu truyền thống hiếu học của dân tộc ta.
 
Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
 
Lê Như
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)