Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 28/03/2016 04:58
Cơ sở bí mật của Đảng: Di tích cách mạng kháng chiến - Nhà số 37 Cầu Gỗ

Di tích cách mạng kháng chiến nhà số 37 Cầu Gỗ là ngôi nhà có 2 mặt phố: mặt phố Cầu Gỗ mang số 37 và mặt phố Đinh Tiên Hoàng mang số 43. Ngôi nhà thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một địa điểm rất thuận tiện cho giao thông liên lạc: phía Cầu Gỗ, tiếp giáp với chợ Hàng Bè, buôn bán nhộn nhịp; phía Đinh Tiên Hoàng trước đây là bến xe điện Bờ Hồ, tiếp giáp với phía bắc hồ Hoàn Kiếm, suốt ngày đông vui, tấp nập.

 
Chủ nhân ngôi nhà là cụ Phạm Quang Hưng, một công chức yêu nước, đầy nhiệt tình cách mạng, không ngại hiểm nguy, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng trong suốt mấy chục năm dài.
 
Thời kỳ trước 1930, các lãnh tụ của Quốc dân đảng (một tổ chức chính trị có xu hướng dân tộc) như Nguyễn Thái Học, Lê Hữu Cảnh thường lui tới gặp gỡ, họp hành tại đây. Khi đó, ông Phạm Quang Chúc là con trai cụ Hưng đã bị bắt cùng với một số đảng viên Quốc dân đảng và bị đày ra Côn Đảo. Trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1934, các thành viên trong gia đình cụ Hưng như bà Hồng, bà Na, bà Lan… đã có nhiều hoạt động tích cực, tiếp tế thuốc men cho anh em tù ở Côn Đảo.
 
Giai đoạn từ 1936 đến 1940, nhiều tù chính trị ở Côn Đảo, Sơn La được trả tự do đã cùng ông Chúc về tập hợp tại 37 Cầu Gỗ và tiếp tục hoạt động nửa bí mật, nửa công khai. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đinh Nhu, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Tuấn Thực, Ba Ngọ, Vương Hải Đường, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Cúc… thường xuyên liên hệ, qua lại nơi đây để trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Người ở ngôi nhà này tương đối lâu là đồng chí Phạm Văn Đồng. Tuy hoạt động nửa công khai nhưng gia đình cụ Hưng đã bố trí cho đồng chí ở một phòng nhỏ kín đáo, trên gác xép, phía sau nhà bếp. Chính tại dây, đồng chí đã viết nhiều bài báo tiếng Pháp đăng trên các tờ báo của Đảng như Le Travail, Rassemblement… đề cập đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội với nhiều thể loại (phóng sự, truyện ngắn…). Khi mặt trận Dân chủ Đông Dương bị khủng bố các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Kim Cương phải rời nhà 37 Cầu Gỗ, sang Côn Minh (Trung Quốc) để tiếp tục hoạt động.
 
Giai đoạn 1940-1945, thực dân Pháp rất chú ý đến các cơ sở bí mật của Đảng, nhưng nhà số 37 Cầu Gỗ vẫn là một địa chỉ liên lạc tin cậy giữa chiến khu Việt Bắc với Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ căn nhà này, nhiều công văn mật, tin tức quan trọng đã được chuyển đến, chuyển đi an toàn, trong đó có vai trò tích cực của bà Phạm Thị Hồng, con gái cụ Hưng. Trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khời nghĩa tháng Tám, đây vẫn là nơi đón nhận các tin tức, truyền đơn, vũ khí, chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng từ chiến khu trở về.
 
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, toàn bộ gia đình cụ Hưng đã lên đường ra vùng kháng chiến. Đến năm 1949, gia đình cụ có người bị bệnh phải trở về Hà Nội chữa chạy. Lúc ấy, bà Phạm Thị Hồng hoạt động ở miền Nam, được Trung ương cục giao nhiệm vụ về Hà Nội xây dựng 37 Cầu Gỗ thành một địa điểm liên lạc, đón tiếp những vị khách đặc biệt từ miền Nam ra Hà Nội còn bị tạm chiếm.
 
Nói về các cơ sở bí mật của Đảng ở Hà Nội, đồng chí Trường Chinh đã tổng kết: “Quần chúng là áo giáp, là thành luỹ của cách mạng. Có quần chúng mới giấu được lực lượng Đảng và cán bộ. Tranh thủ được quần chúng, dựa được vững chắc vào quần chúng thì quần chúng sẽ là rừng núi của ta ở Hà Nội”.
 
Nhà 37 Cầu Gỗ gồm 2 tầng chính và một tầng gác xép thấp, được xây dựng vào năm 1910, khi đó mặt chính ở phố Cầu Gỗ, còn phía sau sát với hồ Hoàn Kiếm. Về sau, khi phố Đinh Tiên Hoàng được mở thì nhà mới có thêm số 43 phố này – nhà xây tường gạch, phía Đinh Tiên Hoàng lợp mái ngói, phía Cầu Gỗ đổ mái bằng (sân thượng). Trên sân thượng có một nhà chòi, lối lên bằng thang tre, khi lên rồi thì rút thang. Đây chính là nơi đồng chí Phạm Văn Đồng được nuôi giấu vào những năm 1936-1939.
 
Qua 100 năm nhưng kết cấu, kiến trúc ngôi nhà ít có sự thay đổi, nhưng hiện nay không còn di vật, tài liệu nào liên quan đến cơ sở liên lạc và nuôi giấu cán bộ cách mạng qua các thời kỳ.
 
Trong suốt chiều dài của cách mạng, đến trước ngày Thủ đô được giải phóng (1954), khi bí mật lúc công khai, ngôi nhà này đã đảm bảo tốt việc nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, là địa chỉ tin cậy của Đảng, nơi thể hiện lòng yêu nước và niềm tin của Đảng vào cách mạng của những công dân Thủ đô mà tiêu biểu là cụ Phạm Quang Hưng cùng các con cháu của cụ.
 
Nhà 37 Cầu Gỗ (43 Đinh Tiên Hoàng) đã được lập hồ sơ khảo sát và được gắn biển lưu niệm di tích cách mạng kháng chiến.
 
 
Vũ Huy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)