Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 28/03/2016 05:00
Địa điểm liên lạc của Trung ương Đảng thời kỳ 1935 – 1939: Nhà số 11 Hàng Giấy

Nhà số 11 Hàng Giấy là cửa hàng câu đối - trướng Tùng Lâm (nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm ngay ngã 5 của các phố Hàng Đậu, Hàng Than, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy, là một đầu mối liên lạc của Trung ương Đảng trước Cách mạng tháng Tám.

 
Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ nhất (3/1935) tại Ma Cao, Trung Quốc, Trung ương hết sức quan tâm chỉ đạo việc khôi phục tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Hà Nội. Nhờ những địa chỉ liên lạc như cơ sở Tùng Lâm, sau một thời gian ngắn, các đồng chí ở nước ngoài về và ở tù ra đã bắt liên lạc được với nhau. Chủ trương của Đại hội Đảng đã nhanh chóng được truyền đạt đến những đảng viên cộng sản đang hoạt động ở Hà Nội, góp phần củng cố niềm tin để bước vào trận chiến đấu mới.
 
Tới tháng 3/1937, tại Hà Nội, Xứ uỷ Bắc Kỳ chính thức được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Tú Hưu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Tô Hiệu, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Trần Quý Kiên… Thành uỷ Hà Nội cũng được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ làm bí thư, gồm các đồng chí: Đinh Xuân Nha, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt (tức Lộc, Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh.
 
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ và Thành uỷ, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Hà Nội trong cuộc vận động dân chủ của Đảng đã thu được nhiều thắng lợi. Ngôi nhà 11 Hàng Giấy nằm ở vị trí giao thông thuận lợi: phía đông có cầu Long Biên nối liền với Bắc Ninh, Hưng Yên; phía nam có chợ Đồng Xuân buôn bán tấp nập, dễ che mắt địch; phía tây, phía bắc cũng là những đầu mối giao thông. Vì vậy, Trung ương đã chọn thuê một căn phòng phía trước của ngôi nhà làm nơi bán hàng câu đối, trướng, giao cho đồng chí Tùng Lâm và quần chúng tốt thay nhau vừa bán hàng vừa làm liên lạc và nhận chỉ thị của cấp trên. Cửa hàng Tùng Lâm khách mua bán ra vào tấp nập nên dễ dàng che mắt kẻ địch. Tại ngôi nhà này, nhiều đồng chí Trung ương đã gặp nhau, liên lạc, giao nhiệm, nhận báo cáo của cơ sở như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trân, Trần Quý Kiên, Khuất Duy Tiến.
 
Tham gia cách mạng từ 1935, đồng chí Tùng Lâm tên thật là Chu Văn Mô, đã bị thực dân Pháp bắt giam ở Hoả Lò năm 1938.
 
Vợ đồng chí Tùng Lâm là Nguyễn Thị Sửu đã cùng chồng tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hai đồng chí đều hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, gia đình được Chính phủ tặng bằng khen “Có công với nước”.
 
Nhà số 11 Hàng Giấy được xây dựng trên mảnh đất dài 26m, rộng 2,8m. Gian bán hàng phía trước làm một tầng, xây gạch chỉ, lợp ngói, bên trong là nhà ở được làm 2 tầng, phòng trong cùng là nơi ở của đồng chí Tùng Lâm và Tiến Cảnh. Qua một sân nhỏ, bên trong là một căn nhà 2 tầng như phía ngoài.
 
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, ngôi nhà đã bị đốt. Nay gia đình đã sửa lại phần mái, lợp tôn (thay cho lợp ngói trước đây). Số 11 Hàng Giấy là cơ sở liên lạc của Trung ương Đảng thời kỳ 1935-1939 nhưng rất tiếc các hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử hiện nay không còn gì. Vì mặt tiền của ngôi nhà quá hẹp (2,8m), lại không có hè đường nên việc dựng bia, gắn biển gặp nhiều khó khăn.
 
Gần đối diện với cửa hàng câu đối - trướng Tùng Lâm, bên số chẵn phố Hàng Giấy còn có hiệu Tiến Cảnh, cũng là một cơ sở liên lạc của Đảng năm 1938. Với cơ sở bí mật cửa hàng câu đối - trướng Tùng Lâm 11 Hàng Giấy, mối liên lạc của Đảng, đặc biệt của các đồng chí Trung ương đã được duy trì, sự lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng thời kỳ 1935 – 1939 đã mang lại kết quả tốt đẹp.
 
Cửa hàng câu đối - trướng Tùng Lâm, 11 Hàng Giấy, Hà Nội đã được gắn biến di tích cách mạng – kháng chiến.
 
Huy Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)