Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 28/03/2016 05:14
Bốn đời vua Trần tại Thăng Long

Đời Trần quả là một vương triều đặc biệt trong lịch sử văn hóa nước ta. Bộ sử đầu tiên ra đời - Bộ Đại Việt sử ký là ở vương triều này. Chữ Nôm lần đầu dùng trong văn học là ở triều Trần. Bộ binh thư đầu tiên cũng xuất hiện ở triều Trần và đặc biệt là các vua Trần, cha con ông cháu, thậm chí chắt đều là những ông vua cầm quân đánh giặc đồng thời là những nhà thơ.

 
Nhà Trần lập nghiệp năm 1225. Đến hết đời Anh Tông (1320) là bốn đời vua, kém năm năm là đầy một thế kỷ. Một thế kỷ hưng và thịnh của vương triều Trần. Bốn ông vua lần lượt giữ được và xây dựng đất nước phồn vinh. Họ cũng đều là những nhà văn hóa lớn, những nhà thơ đặc sắc tiêu biểu của dân tộc trong thế kỷ XIII. Bốn vị này đều đã sinh ra (kể cả Trần Thái Tông), lớn lên và học tập ở Thăng Long, tiếp thu nền văn hiến Thăng Long, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước. Họ đích thực là các nhà thơ của Thăng Long.
 
1. Trần Thái Tông (Trần Cảnh, 1218 - 1277), làm vua từ 1225, triều đại Thái Tông đã đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong sự nghiệp cầm binh, chống quân Nguyên xâm lăng lần thứ nhất (1258), ông thân hành ra mặt trận, trực tiếp chỉ huy và thực sự tham gia chiến đấu. Về sự nghiệp văn hóa, ông nghiên cứu sâu về Phật giáo. Khóa hư lục là sách của ông được nhiều người biết đến, không chỉ giảng giải về đạo pháp mà cuốn sách còn giàu giá trị văn học. Ông có làm thơ nhưng nay chỉ còn lưu giữ được hai bài. Đó là bài Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn (Gửi sư Đức Sơn ở am Thanh Phong) vừa ghi lại cái đẹp thanh tú của cảnh chùa, vừa ngụ ý cợt trêu ông bạn tu hành trong am vắng. Bài thơ thứ hai là bài tứ tuyệt Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh (Tiễn sứ thần phương Bắc là Trương Hiển Khanh) thì hẳn là thơ xã giao, ngoại giao nhưng ý tình cũng thật ngọt ngào.
 
2. Con vua Thái Tông là Trần Thánh Tông (Trần Hoảng, 1240 - 1290). Trong hai mươi mốt năm ở ngôi vị đứng đầu vương triều, ông hết lòng chăm lo việc nước, khi Nguyên - Mông xâm lược đã cùng con là Trần Nhân Tông tổ chức chuẩn bị kháng chiến và tiến hành kháng chiến với nhiều sáng tạo. Ông (và Nhân Tông) đã tổ chức hội nghị Bình Than là một hội nghị quân sự quyết định chiến lược, sách lược kháng chiến rồi hội nghị Diên Hồng là một quốc dân đại hội khẳng định và phát động tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của toàn dân. Sau chiến tranh, cũng như vua cha, Thánh Tông chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, viết một số sách về Phật pháp. Ông cũng làm thơ, nay chỉ còn giữ được sáu bài.
 
3. Con Trần Thánh Tông là Trần Nhân Tông (Trần Khâm, 1258-1308). Nối ngôi vua khi mới hai mươi tuổi (1278) giữa lúc triều Nguyên - Mông đang tăng cường áp lực chuẩn bị xâm lược. Cùng Thái thượng hoàng Thánh Tông và các tướng lĩnh kiệt xuất, ông đã chỉ huy cả nước vượt qua mọi thử thách, dập tan hai cuộc xâm lược vào năm 1285 và 1288. Nhân Tông còn thực hiện chính sách đoàn kết - trong hoàng tộc cũng như toàn dân - nên đất nước ổn định và phục hồi nhanh chóng sau những năm chiến tranh chống xâm lược. Năm 1293, ông nhường ngôi cho thái tử nhưng còn tham gia chính sự cho tới năm 1299, sau đó đi thuyết pháp ở nhiều nơi trong nước và sang Chiêm Thành để kết tình hòa hiếu. Sau khi trở về ông lên núi Yên Tử tu Phật, sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Theo sử sách, ông từng viết nhiều tác phẩm Phật học nhưng hiện nay không còn. Ông cũng làm nhiều thơ song đa phần thất truyền. Hiện còn lưu giữ được một bài phú Nôm và hai mươi lăm bài thơ chữ Hán, một phần là những bài tiếp sứ giả phương bắc, một phần liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến, một phần nữa là những bài ghi lại cảm xúc trước thiên nhiên mỹ lệ, bình yên hoặc nói lên tiếng lòng xao động, riêng tư.
 
4. Con trưởng của Nhân Tông là Trần Anh Tông (1276 -1320). Lên ngôi năm 1293, bấy giờ đất nước thanh bình nhưng ông cũng từng phải Nam chinh, đánh dẹp bọn phong kiến Chiêm Thành phá phách bờ cõi phía Nam. Ngoài ra ông phải dốc sức cho việc khôi phục kinh tế xã hội sau ba cuộc chiến. Và ông đã làm tròn nhiệm vụ này với tư cách một vị vua sáng. Ông viết nhiều thơ nhưng nay cũng chỉ lưu giữ được mười hai bài. Thơ của ông trong sáng, thanh nhã, cảnh thuần khiết như các bài Đông cảnh, Vân Tiêu am, Chinh Chiêm Thành chu hoàn bạc Phúc Thành,… Anh Tông còn là nhà vua đầu tiên làm thơ vịnh các nhân vật trong Bắc sử. Phải chăng để chăm lo cho sự thịnh vượng của vương triều, ông lấy các vua Tàu thuở trước làm đối tượng phê phán để các thế hệ sau lấy đó làm gương. Khát vọng hòa bình của một ông vua kiêm nhà thơ mà lòng yêu nước cũng như tình nhân đạo luôn thường trực trong cõi lòng ông.
 
 
Trần Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)