Văn hóa đọc đứng trước đột phá của công nghệ số
Sẽ không lạ gì khi người ta dán mắt vào màn hình của một thiết bị điện tử, say mê với nó, ăn ngủ với nó. Sống không thể thiếu nó cho dù biết rằng đó thực sự là một thế giới ảo, con người đã mất dần đi khả năng trực diện, đối mặt, nhìn vào mắt nhau. Thậm chí cả những người yêu sách, dù có mang sách lên máy bay, hoặc nghe đọc sách trong xe, cũng không thể thiếu vật bất ly thân - chiếc điện thoại.
Một câu hỏi được đặt ra: Văn hóa đọc đứng trước sự đột phá của công nghệ số sẽ đi về đâu? Dẫu biết rằng cùng với sự phát triển của khoa học xã hội văn học cũng có tính biến đổi phù hợp với xu thế chung của thời đại, nhưng chúng ta có thể khẳng định tác dụng của văn học là không thể đo đếm được, cả về nghĩa đen lẫn về mặt tinh thần. Biết rằng đọc sách văn học, lịch sử, khoa học, cũng như các loại sách vở nghệ thuật giúp phát triển một con người đa chiều. Nhưng làm thế nào mà được như vậy? Trẻ sơ sinh trong vòng tay bố mẹ được nghe kể chuyện, có thể chúng sẽ không nhớ hình ảnh hay mặt chữ, nhưng chúng sẽ nhớ sự ấm áp đi cùng với quyển sách và việc bố mẹ nói với chúng, nhất là khi trải nghiệm đó được lặp đi lặp lại hàng trăm lần. Rồi khi trẻ rời khỏi vòng tay bố mẹ đến trường mẫu giáo. Ở trường, chúng đọc to lên bài trong sách, sách được quý trọng, được giảng giải, được thưởng thức. Thầy cô là những người chỉ đường dẫn lối cho trẻ đến với văn hóa đọc. Họ sẽ không im lặng và bất lực khi phải bảo vệ văn học, hay lịch sử, hay bất kỳ những thứ gì liên quan đến văn hóa đọc. Chính họ là những người sẽ kết nối với học sinh về mặt cảm xúc. Dạy cho học sinh biết nhận ra mình sống để làm gì, thế giới nhân sinh quan xung quanh ta thông qua những cuốn sách. Và nếu người thầy có thể khiến đám trẻ coi trọng sách - tạo ra một kết nối thực sự, nhu cầu thực sự - đám trẻ có thể sẽ tắt màn hình. Chỉ cần vài giờ thôi trong hai mươi tư giờ của một ngày, chỉ cần gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm đến giáo dục cho giới trẻ thì chắc chắn chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi: Văn hóa đọc sẽ mãi tồn tại cho dù công nghệ số phát triển đến đâu đi chăng nữa.
Trần Duy
Nhà xuất bản Hà Nội