Cơ sở hoạt động bí mật của đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Nhà số 79 Đội Cấn
Trong những năm 1935, 1936, 1937, một phong trào ái quốc bùng lên mạnh mẽ đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động xuống đường đấu tranh. Ở Hà Nội liên tiếp nổ ra những cuộc biểu dương lực lượng của hàng vạn quần chúng.
Từ giữa năm 1937, để đối phó với phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động, bọn phản động thuộc địa bày trò cải cách bằng cách lập ra một Uỷ ban xét về lao động gồm bọn tư bản thực dân Pháp, một số tư sản người Việt. Nhân cơ hội đó, Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, buộc bọn chủ phải thi hành luật lao động.
Để tranh thủ lôi kéo những người Pháp dân chủ và một số trí thức tiến bộ về mình, Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội đã đưa một số đảng viên và cán bộ trí thức tham gia chi nhánh Đảng xã hội Pháp ở Hà Nội như giáo sư Phan Thanh, đồng chí Đặng Châu Tuệ, đồng chí Phan Tử Nghĩa.
Nhà 79 Đội Cấn là nhà bà Nguyễn Thị Nam – nơi đi lại hoạt động bí mật của nhiều đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư của Đảng ta lúc bấy giờ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thường xuyên tới đây trong thời gian khá dài với tư cách là Tổng bí thư Trung ương Đảng. Thông qua cơ sở này, đồng chí đã phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng. Khi ra vào đây đồng chí thường mặc áo the dài, đầu đội khăn xếp, mặc quần trắng, đi giày ta, xách ô đen giống như kiểu ông đồ hoặc như số đông học sinh, sinh viên vẫn trọ học ở khu vực này. Đây là khu vực có nhiều cơ sở cách mạng. Để cảnh giác, bà Nam thường dọn mẹt hàng ra bán ngoài cửa để canh chừng bọn mật thám, sẵn sàng có tín hiệu báo cho các đồng chí đang ở trong nhà biết để rút ra cửa sau.
Khu vực phố Đội Cấn có rất nhiều nhà xây để cho thuê, các chiến sĩ cách mạng thường hay thuê làm nơi đi lại, do đó bọn mật thám cũng theo dõi chặt chẽ. Ngay từ khi bà Nam dọn hàng xén, bọn chúng đã có ý rình mò. Có lần đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang ở trong nhà thì bọn chúng ập đến, bà Nam đã bình tĩnh gõ ám hiệu để đồng chí kịp thời đi ra cổng sau vào ngõ Gia Thịnh để trốn thoát. Đến năm 1939, tình hình không đảm bảo an toàn nên bà Nam không ở đây nữa và chuyển về quê ở Thanh Hoá. Khi trở về quê, bà vẫn tiếp tục tham gia giúp đỡ cách mạng.
Theo lời kể của nhân chứng và những người cùng sống với cụ Nam thì ngôi nhà này đã trải qua nhiều chủ và đã thay đổi khá nhiều so với trước đây. Khi viết về những cơ sở cách mạng bí mật ở Hà Nội, trong cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội – Nhà xuất bản Hà Nội, 1982 đã đề cập: “Mặc dù phong trào công khai đang phát triển, Đảng ta vẫn hết sức chú trọng xây dựng các cơ sở liên lạc bí mật ở Hà Nội, làm mạch máu giao thông của Đảng để che giấu cán bộ khi cần thiết”.
Từ những cơ sở bí mật này, lực lượng quần chúng cách mạng ngày càng mở rộng và phát triển, làm tiền đề cho việc giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngôi nhà 79 Đội Cấn là di tích có liên quan đến nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng ta, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một trong những người đứng đầu của Đảng những năm tháng mới thành lập.
Phượng Nguyễn
Nhà xuất bản Hà Nội