Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 02:59
Nơi diễn ra cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Đông Dương đại hội: Nhà số 16 Lê Thái Tổ

Nhà số 16 Lê Thái Tổ thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nằm ở phía tây hồ Hoàn Kiếm, cạnh di tích tượng vua Lê, đối diện với Bưu điện Hà Nội qua hồ Hoàn Kiếm là nơi diễn ra cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Đông dương đại hội.

 
Đây là nơi đã ghi dấu hai sự kiện lịch sử: Cuộc biểu tình 400 người ủng hộ phong trào Đông dương đại hội (năm 1936) và là trụ sở đầu tiên của Quốc hội khoá I nước Viêt Nam dân chủ cộng hoà.
 
Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử, lên cầm quyền, ban bố chính sách tự do dân chủ cho các nước thuộc địa. Đó là điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân ta. Mặt khác, một số tù chính trị được trả tự do đã nhanh chóng tìm cách hoạt động trở lại.
 
Nhằm tập hợp quần chúng, Đảng thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đến 3/1938 đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương. Đảng chủ trương kết hợp khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, công khai và nửa công khai, tổ chức giáo dục quần chúng, dấy lên trong cả nước một cao trào đấu tranh diễn ra rất mạnh mẽ, sôi nổi, hướng vào mục tiêu trước mắt là tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Ở Hà Nội, phong trào đấu tranh diễn ra rất mạnh, phong phú, dưới nhiều hình thức: kiến nghị, hội thảo, mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi chợ… Tiêu biểu là cuộc mít tinh 400 người ngày 5/9/1936 tại số 16 Lê Thái Tổ. Ngày 5/9/1936 trong lúc bọn dân biểu bù nhìn đang họp tại 16 Lê Thái Tổ thì 400 quần chúng kéo đến, bao vây, đòi vào dự và chất vấn. Sau đó, đoàn người kéo qua các phố Hàng Đào, Hàng Bông, hô vang khẩu hiệu: “Thành lập Uỷ ban lâm thời của chi nhánh Đông Dương đại hội Bắc Kỳ”, “Ủng hộ Chính phủ mặt trận bình dân Pháp”. (Theo Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nôi – Nhà xuất bản Hà Nội – 1982).
 
Theo các nhà sử học (Lê Mậu Hãn, Nguyễn Vinh Phúc) thì Nhà Khai Trí Tiến Đức, số 16 Lê Thái Tổ là một địa điểm bầu cử Quốc hội khoá I (6/1/1946), là địa điểm được chọn làm trụ sở của Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
 
Nhà 16 Lê Thái Tổ được xây dựng năm 1917 trên một khu đất rộng (2.326,6m2) trong đó diện tích xây dựng là 1.183m2. Đây là ngôi nhà 2 tầng, 3 mặt có hè phố, mặt chính có hè phố rất rộng. Nhà gồm 3 phòng, phòng chính ở giữa, cao 6m, mái lợp tôn, kèo sắt, sàn gỗ. Đây chính là địa điểm bầu cử và trụ sở của Quốc hội khoá I. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà 16 Lê Thái Tổ là trụ sở Câu lạc bộ thống nhất Trung ương, nơi họp mặt của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau năm 1975, ngôi nhà do Bộ Văn hoá – Thông tin quản lý; nay là trụ sở cơ quan Cục Văn hoá – Thông tin cơ sở (thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin).
 
Hiện nay trong di tích không còn di vật nào ghi dấu sự kiện cuộc biểu tình 400 người ngày 5/9/1936 và trụ sở Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
 
Đây là di tích cách mạng kháng chiến liên quan đến hai thời kỳ cách mạng của dân tộc: 1936 - 1939 và 1945 - 1946. Di tích này đã được thành phố Hà Nội gắn biển, nhưng tấm biển đá gắn ở mặt tường phía trước chỉ ghi: “Trụ sở đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khoá I đã được đặt tại đây năm 1946”. Như vậy, tấm biển này còn thiếu một nội dung về cuộc biểu tình 400 người ngày 5/9/1936 của nhân dân Hà Nội.
 
Với ý nghĩa lịch sử trong kháng chiến, giá trị lịch sử cách mạng của di tích 16 Lê Thái Tổ rất xứng đáng được bảo vệ và phát huy tác dụng trong mỗi chặng đường đi lên của thủ đô Hà Nội anh hùng.
 
Huy Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)