Trụ sở Hội Ái hữu tiểu thương: Nhà số 54 Hàng Cót
Trong những năm 1936 - 1939, cách mạng Việt Nam thực hiện cuộc vận động dân chủ, đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi dân chủ, tự do, cơm áo và hoà bình. Đảng chủ trương “phải lợi dụng hết các hoàn cảnh công khai mà tổ chức quần chúng. Chúng ta không nên quá câu nệ cái tên gọi, dẫu là tổ chức nông hội, công hội hay ái hữu, tương tế, hội đưa ma, lớp học đêm, hội thể thao… mà nội dung là để bênh vực quyền lợi cho các lớp dân chúng. Ta dùng những cách tổ chức đơn sơ như vậy mà kéo nhiều tầng lớp dân chúng, hơn là tổ chức những hội lấy tên là cách mạng mà không có quần chúng”.
Chủ trương thành lập Hội Ái hữu là một sáng kiến của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của thành uỷ Hà Nội, đến giữa năm 1937 ở Hà Nội đã có tới 24 tổ chức Ái hữu.
Các Hội Ái hữu đều có trụ sở công khai và có khoảng một trăm đến vài ba trăm hội viên. Ái hữu trở thành một hình thức tổ chức phổ biến, được đông đảo quần chúng công nhân, thợ thủ công, tiểu thương, công chức ở các thành phố, thị xã, các vùng công nghiệp, thủ công nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng. Ở nông thôn, các hội này mang các tên hội cày, hội gặt, hội hiếu hỷ, hội chèo, nhóm học quốc ngữ… Thanh niên có hội thể thao, hội đọc sách báo, hội kịch, hội du lịch…
Bằng những hình thức đơn giản, Đảng đã đoàn kết được hàng triệu quần chúng, đưa họ vào cuộc đấu tranh. Qua các Hội, đường lối của Đảng được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, uy tín và ảnh hưởng của Đảng ngày càng sâu rộng.
Trong các hội Ái hữu ở Hà Nội, Hội Ái hữu tiểu thương có trụ sở ở số 54 Hàng Cót là một hội có uy tín, tập hợp được đông đảo bà con buôn bán nhỏ ở Hà Nội để cùng đấu tranh đòi giảm thuế, giảm môn bài, đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn.
Nhà số 54 Hàng Cót là ngôi nhà ba tầng, tầng 1 là cửa hàng, các tầng trên dùng để ở. Hiện tại ở đây không còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật nào có liên quan đến Hội Ái hữu tiểu thương thời kỳ 1936 – 1939.
Nội dung sự kiện chỉ được biết qua sách báo, tạp chí và lưu lại trong ký ức của người dân sống trong thời kỳ đó.
Địa chỉ này đã được lập hồ sơ lý lịch và được ghi nhận là điểm di tích cách mạng thời kỳ 1936 – 1939 của thủ đô Hà Nội.
Văn Huy
Nhà xuất bản Hà Nội