Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 03:11
Trụ sở báo Le Travail: Nhà số 24 Nguyễn Quang Bích

Nhà số 24 Nguyễn Quang Bích là ngôi nhà 2 tầng ở góc phố Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Quang Bích hiện nay (có 2 cửa ở 28 Nguyễn Văn Tố và 24 Nguyễn Quang Bích) thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là trụ sở báo Le Travail (Lao động) ra số đầu tiên năm tháng 9 năm 1936.

 
Sau khi hầu hết các báo tiếng Việt tiến bộ bị thực dân đóng cửa như Tiếng vang làng báo, Kiến văn, Hồn trẻ (tập mới)…, Đảng rất cần có một tờ báo trong tay làm công cụ của cuộc đấu tranh. Không có hy vọng xin ra một tờ báo tiếng Việt, vì vậy tốt nhất là xuất bản một tờ báo tiếng Pháp, vì báo tiếng Pháp theo luật, không phải xin phép.
 
Đồng chí Nguyễn Thế Rục đã tổ chức một cuộc họp trên gác một ngôi nhà giữa phố Yên Phụ với các đồng chí Trần Đình Long, Trần Huy Liệu và quyết định xuất bản tờ Le Travail (Lao động), số đầu tiên in 1.000 bản ra ngày 16/9/1936. Trụ sở toà báo đặt ở ngôi nhà 2 tầng 2 mặt phố: 28 Nguyễn Văn Tố và 24 Nguyễn Quang Bích. Người sáng lập tờ báo là đồng chí Nguyễn Thế Rục, giám đốc chính trị là đồng chí Nguyễn Văn Tiến (Khuất Duy Tiến), đồng chí Trịnh Văn Phú được cử làm quản lý báo (Chủ nhiệm). Báo đã được sự ủng hộ nhiệt tình của công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức và cả chị em phụ nữ bằng nhiều hình thức, tuyên truyền giới thiệu báo, viết bài cho báo, cho báo vay tiền, tổ chức bán báo… và có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận.
 
Các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Lương Khánh Thiện ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Lương Bằng ở nhà tù Sơn La đã theo dõi báo, nắm được tình hình Hà Nội, dự định khi ra tù sẽ về cùng làm báo Le Travail.
 
Đến tháng 11/1936, đồng chí Đặng Xuân Khu được giảm án ra tù, được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, được cử làm bí thư chi bộ báo chí. Từ đây, Le Travail trực tiếp đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, uy tín ngày càng rộng lớn với trí thức trong nước và cả ở nước Pháp. Báo đã vận động từng gia đình làm đơn đòi hoặc xin tha cho người thân của mình đang bị đế quốc Pháp giam cầm. Đơn được gửi sang tận Pháp. Do đó càng khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta.
 
Báo còn đăng hồi ký Ngục Kon Tum của đồng chí Lê Văn Hiến, đăng ảnh ông Phạm Tuấn Tài (lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng 1930), tù Côn Đảo về, chết trên giường bệnh với dòng chú thích (dịch): “Côn Đảo, nơi đày đoạ những con người!”, tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù thực dân Pháp, nâng cao ý thức đấu tranh của nhân dân.
 
Báo cử phóng viên đến khu mỏ Cẩm Phả, Hà Lầm, về Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định,… để lấy tin và cổ vũ phong trào.
 
Le Travail ra đến số 30 (ngày 16/4/1937) rồi tự đóng cửa, vì một viên quan tuần phủ kiện báo do báo tường thuật việc riêng của ông ta và lấy cớ báo đăng một số bài có tính chất khêu gợi nổi loạn như Ngục Kon Tum… Đảng chủ trương lợi dụng các kỳ tranh cử để tuyên truyền khẩu hiệu của Đảng, đưa người vào cơ quan lập hiến để bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động, vì vậy, Le Travail đã đưa đồng chí Trịnh Văn Phú quản lý báo ra tranh cử với một nhà tư sản, và đã thắng cử vào Viện dân biểu Bắc Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thế Rục là một thanh niên thông minh, yêu nước, được giác ngộ cách mạng, tham gia Đảng Cộng sản Pháp, tốt nghiệp Đại học Phương Đông (Liên Xô), được cử về nước hoạt động thì bị Pháp bắt và quản thúc tại Hà Nội. Lúc đầu, ở 16 Cầu Gỗ, đồng chí đã gặp gỡ và trao đổi với đồng chí Trần Phú viết Luận cương chính trị của Đảng, rồi về bán thảm cói, mành ở 102 Hàng Gai. Đồng chí đã có công sáng lập, nuôi dưỡng và phát triển Le Travail bằng cách duyệt bài, viết báo và góp tiền nuôi báo. Vì bệnh lao đồng chí Rục đã qua đời vào ngày 23/5/1938 tại 102 Hàng Gai.
 
Le Travail bị đóng cửa, những người cộng sản Bắc Kỳ lại ra tiếp tờ báo Rassemblement (Tập hợp), sau đó là En Avant (Tiến lên).
 
Nhà số 24 Nguyễn Quang Bích được xây 2 tầng, kiên cố, trụ sở của Le Travail đặt tại căn phòng gác 1. Theo nhà văn Hà Ân, một người sinh sống cùng thời với Le Travail thì căn phòng hẹp phía ngoài (mặt phố Nguyễn Văn Tố) là phòng biên tập, chỉ có vài cái bàn ghế, một tủ đứng đựng tài liệu và báo lưu. Ban đêm, anh em trong ban biên tập ngủ ngay dưới sàn nhà.
 
Hiện nay, ngôi nhà cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng bên ngoài, có nhiều hộ sinh sống. Hiện vật còn lại (ở phòng nghỉ của ban biên tập) là một tủ đứng và bộ bàn ghế. Le Travail là tờ báo công khai của Đảng, có đường lối chính trị rõ ràng, vững chắc, là vũ khí sắc bén của Đảng.
 
Mặt trước, phía trái của ngôi nhà 24 Nguyễn Quang Bích đã được gắn tấm biển đá về báo Le Travail. May mắn một vài hiện vật của tờ báo cách mạng Le Travail và căn phòng của báo cơ bản vẫn được bảo quản. Đây không chỉ là những hiện vật quý về một tờ báo cách mạng mà còn là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.
 
 
Trần Quang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)