Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 03:24
Hiệu sách Đồng Xuân - Đồng Xuân thư quán

Hiệu sách Đồng Xuân (Đồng Xuân thư quán) là nơi phát hành sách báo của Đảng Cộng sản Đông Dương và báo chí tiến bộ, hiện nay đây là nhà số 26 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 
Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống phát xít và chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế, đến 3/1938 đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương.
 
Ở Hà Nội, phong trào Đông Dương đại hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động: thảo dân nguyện để gửi Chính phủ Pháp đòi ân xá chính trị phạm, tự do hội họp, tự do ngôn luận… nhiều báo chí tiến bộ, truyền đơn của Đảng được phát hành rộng rãi. Tại các xí nghiệp, trường học, đường phố, quần chúng liên tục tổ chức các cuộc họp nhỏ để bàn bạc, thảo luận và ký tên vào bản dân nguyện. Nhiều cơ sở Đảng được xây dựng và phát triển. Công tác vận động thanh niên, nhất là thanh niên học sinh, được đẩy mạnh, nhiều trường (Bưởi, Gia Long, Cao đẳng tiểu học…) lập ra các nhóm nghiên cứu sách báo công khai (nhóm nghiên cứu mác xít), tổ chức cắm trại, du lịch, truyền bá quốc ngữ…
 
Đảng rất chú trọng công tác báo chí công khai để tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Ngoài báo chí, Đảng còn xuất bản nhiều sách chính trị phổ thông như Vấn đề dân cày, Chị em phải làm gì?, Nghiệp đoàn là gì?...
 
Sách báo công khai của Đảng thời kỳ 1936-1939 ở Hà Nội hầu hết do Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ xuất bản. Đảng viên và quần chúng, thanh niên học sinh Hà Nội được bán báo, viết bài cho báo, cổ động mua báo dài hạn. Chị em phụ nữ cho báo vay tiền, quyên tiền cho báo. Hiệu sách Đồng Xuân là nơi phát hành nhiều sách báo công khai của Đảng, được cán bộ cách mạng và trí thức tiến bộ tìm đọc.
 
Sách báo công khai ở Hà Nội đã góp phần to lớn và trực tiếp vào việc tuyên truyền, nâng cao trình độ giác ngộ cho quần chúng, tác động đến văn hoá nghệ thuật ở Hà Nội.
Hiệu sách Đồng Xuân vốn là cửa hàng tạp hoá của anh Phạm Văn Huệ (Phạm Văn Hảo) và vợ anh (chị Huệ) mua khi anh mới ở nhà tù Hoả Lò ra (1936). Từ đầu năm 1937, anh chị Huệ đã dần dần chuyển cửa hàng tạp hoá thành Hiệu sách Đồng Xuân.
 
Ngoài sách kinh điển của Mác, Ăng ghen, Lênin do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản, Hiệu sách Đồng Xuân còn nhiều sách tiếng Việt như Lênin, Vấn đề dân cày, Đời chị em, Chị em phải làm gì? Tự chỉ trích, Vượt ngục… và các báo Nhành lúa, Dân chúng, Tiến lên, Thời báo, Thời thế, Tin tức, Thế giới, Đời nay… và một số báo tiếng Pháp Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Note Voix (Tiếng nói của chúng tôi)…
 
Có thể nói, Hiệu sách Đồng Xuân vào những năm 1937 – 1939 có đầy đủ các loại sách báo cộng sản về lý luận chính trị, triết học, văn hoá nghệ thuật, mọi người được đến mua công khai, thoả thích.
 
Theo hồi ký của đồng chí Văn Tân, Hiệu sách Đồng Xuân không chỉ là nơi bán và phát hành sách báo công khai của Đảng mà còn là địa điểm liên lạc của nhiều chiến sĩ cộng sản. Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Bùi Lâm, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) thường đến Hiệu sách Đồng Xuân để liên lạc với nhau. Đồng chí Trường Chinh cũng đến đây để gặp đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đại biểu Trung ương Đảng.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã từng đến giảng bài cho lớp huấn luyện cán bộ công đoàn ngay tầng 2 nhà số 26 này và mấy lần đến sửa bản in thử cuốn Tự chỉ trích ngay trong bếp của nhà số 26. Trong số những người đến đọc, đến mua sách báo ở Hiệu sách Đồng Xuân có anh sinh viên trường Luật, Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quang) chỉ đến mượn mà không mua. Sau đó anh đã trở thành đảng viên của Đảng và làm giám đốc Hiệu sách Đồng Xuân. Năm 1939, anh đã bị bắt và hy sinh ở Sở Mật thám Hải Dương sau 47 ngày tuyệt thực.
 
Tồn tại khoảng 3 năm, Hiệu sách Đồng Xuân đã góp phần to lớn và trực tiếp vào việc tuyên truyền, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, động viên, cổ vũ quần chúng đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
 
Hiện nay không còn hiện vật nào về Hiệu sách Đồng Xuân nhưng địa chỉ này vẫn cần được bảo vệ về kiến trúc, cảnh quan và được tuyên truyền giới thiệu cho đông đảo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được biết, nhất là vào những dịp kỷ niệm lớn.
 
 
Huyền Thanh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)