Trụ sở Hội Ái hữu thợ dệt tại Hà Nội
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng ta đã lợi dụng điều kiện hoạt động công khai và nửa công khai để lập ra các tổ chức Ái hữu. Để thống nhất phong trào đấu tranh của công nhân và thợ thủ công, Ban công vận của Thành uỷ Hà Nội (do đồng chí bí thư Thành uỷ Lương Khánh Thiện làm trưởng ban) đã chỉ đạo lập ra một tổ chức công khai lấy tên là Uỷ ban xướng xuất nghiệp đoàn gồm đại biểu công nhân và các ngành nghề nhằm thúc đẩy việc lập hội Ái hữu.
Đến năm 1937, Hà Nội đã có 24 hội Ái hữu, trong đó Hội Ái hữu thợ dệt có trụ sở ở 57 ngõ Phất Lộc là hội hoạt động tích cực, thu hút được đông đảo thợ dệt ở Hà Nội và cả Hà Đông.
Ngôi nhà 57 ngõ Phất Lộc là di tích đánh dấu một thời kỳ là trụ sở của tổ chức Ái hữu thợ dệt. Nhiều cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới địa điểm này để tuyên truyền giác ngộ những người thợ dệt, hướng họ vào con đường đấu tranh đòi hoà bình, cơm áo, tự do. Từ địa chỉ này, những chủ trương đường lối của Đảng đã được những hội viên Ái hữu tiếp thu, phổ biến sâu rộng trong những người thợ dệt thủ công ở Hà Nội và vùng phụ cận, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Nhà 57 ngõ Phất Lộc được xây dựng khoảng 1900 - 1902, nhà 2 tầng trên diện tích hơn 100m2, mái lợp ngói. Hiện nay, ngôi nhà cũ đã không còn, thay thế vào đó là 2 ngôi nhà 4 tầng kiên cố. Các hiện vật về sự kiện của Hội Ái hữu thợ dệt năm 1937 đã hoàn toàn thất lạc. Tuy nhiên, còn rất nhiều bài báo, hồi ký nói về sự thành lập và hoạt động của Hội Ái hữu thợ dệt tại địa chỉ này.
Huy Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội