Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 03:40
Đền Quán Thánh nổi tiếng trong “Thăng Long tứ trấn”

Đền Quán Thánh là một trong “Thăng Long tứ trấn” từ thời nhà Lý, được dựng từ khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010).

 
Đền Quán Thánh, còn được gọi là Quan Thánh ở cuối đường Thanh Niên, nhìn chếch ra Hồ Tây. Xa xưa đền có tên là Trấn Vũ Đại đế quán, năm 1823 vua Minh Mạng cho đổi thành Trấn Vũ quán, năm 1842 dưới thời vua Triệu trị được đổi sang tên gọi như hiện nay.
 
Thánh Trấn Vũ tức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần được thờ tại đền là nhân vật thần thoại mang tính chất vừa là của Việt Nam vừa là của Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần coi giữ phương Bắc, từng đầu thai làm con vua nước Tinh Lạc (Trung Quốc), lớn lên bỏ ngôi hoàng tử đến tu luyện trong hang núi ở Vũ Dương liền trong 42 năm, đã giúp người phương Bắc diệt trừ nhiều quỷ dữ, giúp dân đời Chu chiến thắng thần Dịch hạch gây bệnh chết người hàng loạt, được Thượng đế phong là Đại Từ, Đại Bi, cuối cùng được phong là Huyền Thiên Trấn Vũ. Cũng theo truyền thuyết thì Huyền Thiên Trấn Vũ chính là Đức Thánh Gióng có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân mà nhân dân ta đang thờ cúng ở nhiều nơi. Đến đời vua Hùng thứ 14, thần đã giúp nhân dân làng Bồ Đề cạnh sông Hồng trừ diệt con rùa yêu tinh từng tàn hại dân lành. Sang thời An Dương Vương, thần đã giúp thần Kim Quy và An Dương Vương diệt trừ con gà trắng hóa tinh và bọn quỷ ở vùng núi Thất Diệu nhờ đó An Dương Vương xây xong Loa Thành tránh khỏi sự quấy phá của lũ yêu quỷ. Đến thời vua Lê Đại Hành, thần hóa thành Nguyên soái Thiên Bồng dâng nước sông Nguyệt Đức (sông Cầu), sông Nhật Đức (sông Thương) lên cao tạo thành hào sâu ngăn cản giặc Tống. Khi quân ta và quân Tống đánh nhau, thần hiện thành vị tướng nhà trời cao 10 trượng, mặc chiến bào màu vàng, đứng trên cao đâm ngọn giáo bằng vàng thẳng vào đội ngũ quân Tống. Quân giặc thấy sợ quá hoảng hốt hò nhau tháo chạy. Quân ta nhân cơ hội đó mãnh liệt truy kích giết chết chủ tướng giặc, đánh tan giặc Tống, bảo vệ toàn vẹn non sông.
 
Khi vua Lý Thái Tổ vừa dời đô đến Thăng Long, nhân dân kinh đô kính cẩn kể cho vua nghe chuyện thần, nhà vua bèn cho lập quán để thờ, nhằm giúp việc trấn giữ yêu quái ở phía bắc kinh thành.
 
Đền Quán Thánh từ khi xây dựng đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Trong lần sửa chữa vào năm 1677, chúa Trịnh Tạc đã sai đúc pho tượng bằng đồng hun thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Pho tượng cao 3,96m, nặng 4 tấn, hình dáng một đạo sĩ, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn quanh ấn lên lưng một con rùa, chân trần không giầy dép. Tượng được đặt trên bệ đá 8 phiến, cao 1,2m, chu vi 8m. Hiện pho tượng đang được thờ tại thượng điện. Đây là một công trình điêu khắc đặc sắc thể hiện tài nghệ đúc đồng tài ba của những người thợ đúc đồng Việt Nam cách đây hơn ba thế kỷ.
 
Thời trước, cứ mỗi khi chiều tà, mặt trời sắp lặn ở phía bên kia bờ Hồ Tây xa xa, tiếng chuông Trấn Vũ gióng giả ngân vang những hồi thu không, mang đến những âm thanh êm ả thanh bình cho người dân trong nhiều thế hệ sinh sống ven hồ và trong những ngày lễ hội khi nghe tiếng chuông khánh đồng vang rền lanh lảnh, nhiều người đang trong tâm trạng u ẩn buồn nản bỗng trở nên vui tươi yêu đời. Ngày nay chuông chỉ được gióng lên mỗi năm một lần duy nhất vào giờ giao thừa báo hiệu mùa xuân mới đang tới. Tiếng chuông xưa vang vọng trong ca dao cổ: Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương từ lâu đã in đậm trong tâm tưởng của người dân đất kinh thành.
 
Đền Quán Thánh vốn là đền thờ của Đạo giáo, nhưng từ xa xưa đã trở thành ngôi đền chung thờ vị thành hoàng linh thiêng của kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội, nổi tiếng trong “Thăng Long tứ trấn”, ngày nay đang là một thắng cảnh, một di tích lịch sử quý hiếm ở Thủ đô.
 
Ngô Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)