Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 31/03/2016 09:38
Ngô gia văn phái

Ngô gia văn phái là một “hiện tượng” đặc biệt của văn học trung đại Việt Nam, là một văn nghiệp dòng họ duy nhất “tự ý thức mình là một văn phái” có truyền thừa và đặc sắc riêng, có đóng góp thực sự đáng trân trọng đối với văn học nước nhà. Hay nói một cách khác thì thành tựu văn học của Ngô gia chính là hình ảnh thu nhỏ của văn học sử truyền thống.

 
Trong chuyến làm phim quảng bá du lịch xứ Lạng, tôi thực sự ấn tượng với chân dung Ngô Thì Sĩ được tạc trong động Nhị Thanh. Một tác phẩm điêu khắc vi diệu được chính tác giả tạc lên hình ảnh của mình với kích thước hoàn toàn tương xứng với thân hình của ông mà không hề sử dụng bất cứ công cụ, máy móc khoa học nào. Song điều khiến tôi tò mò lại chính là những tác phẩm thơ ca mà Ngô Thì Sĩ và các tác gia cùng thời đã chạm khắc trên những vách đá trong động. Tôi bắt đầu đi tìm hiểu những dòng chữ đó. Lúc đầu chỉ là để thỏa chí tò mò, nhưng càng tìm hiểu tôi càng thấy bàng hoàng trước sự hưng thịnh của dòng văn học Ngô gia văn phái.
 
Xưa nay, sáng tác văn chương được gọi là tác gia đã khó. Được gọi là đại tác gia càng khó. Nhưng thành được phái (văn phái) còn khó hơn. Chẳng những các nhà văn phải đặt tới đặc sắc, khuôn khổ riêng của mỗi nhà mà còn phải có sự nối tiếp giữa các thế hệ cùng một dòng họ.
 
Trên văn đàn, Ngô gia văn phái cũng đã được đông đảo độc giả biết đến mà điển hình là tác gia Ngô Thì Nhậm – người từng được giới nghiên cứu tôn vinh với những tác phẩm được nhiều lần xuất bản. Hay Ngô Thì Sĩ với những thành tựu trước tác đáng nể của ông.
 
Trong thời Lê Trung Hưng, Tả Thanh Oai có ba dòng họ lớn: Ngô Thì, Ngô Vi và họ Nguyễn. Tuy nhiên, khác với nhiều gia tộc, mới chỉ chú ý đến thành tựu về đường khoa hoạn, chính sự; họ Ngô Thì đã sớm có ý thức về sản phẩm tinh thần của dòng họ mình. Họ tìm kiếm và hội tụ những sáng tác của mọi thành viên trong dòng họ, nhưng cũng khác với nhiều dòng họ đương thì mới trú tâm tới mục đích thu thập tác phẩm văn chương để cất giữ hoặc viết xen, viết gộp vào tiểu sử, mong muốn làm rõ tính cách, hành trạng các nhân vật trong dòng họ; còn Ngô gia coi thành tựu trước tác là một đối tượng riêng, tự khẳng định đó là một phần gia sản có dấu ấn riêng, một văn phái của dòng họ mình. Họ coi trọng gia tộc và cũng coi trọng cả sự lựa chọn cá nhân trong việc “tùy thời hành chỉ”. Nhưng đối với văn phái thì tiêu chí huyết thống là quan trọng. Theo Ngô Thì Sĩ thì mục tiêu của thơ ca phải gieo và không hiểm hóc, dùng chữ không kỳ lạ, nếu gần đến lạ và hiểm thì dẫu có hay cũng bỏ đi, câu từ phải khiến người vú em, đứa hầu gái nghe cũng có thể hiểu được. Còn Ngô Thì Nhậm, xướng họa thơ là “đem lòng để hiểu lòng mà thôi”, và chỗ thần diệu của thơ cũng “lại cốt ở tấm lòng”, vì vậy “hãy xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần” – Bài 7, Cúc hoa thi trận, Ngô Thì Nhậm toàn tập. Còn trong việc chép sử, Ngô Thì Sĩ luôn đứng trên lập trường lợi ích đất nước và dân tộc để khen chê các triều đại, các quan chức, vua chúa, không thiên vị cũng không thành kiến. Song điều mà ông quan tâm hơn cả là việc giữ nước và làm cho địa vị nước nhà được khẳng định trên trường bang giao. Bên cạnh tính nghiêm túc, sắc sảo của một ngòi bút chép sử theo phép Đổng Hồ, đặc sắc trong văn phong sử bút của ông còn là chất văn chương thể hiện ở cách trình bày sự kiện sinh động hấp dẫn, ở cách chọn lọc và kết cấu tư liệu. Điển hình như trong Việt Sử tiêu án ông dành nhiều trang để bình luận văn thơ, tuy nhiên ông phân tích để gắn kết thơ ca với đời sống chính trị đất nước.
 
Trong Ngô gia văn phái có khoảng 2.000 bài thơ chữ Hán thì có tới khoảng 700 bài của Ngô Thì Sĩ, hơn 500 bài của Ngô Thì Nhậm. Trong đó có những tác phẩm chỉ là ngẫu hứng, được sáng tác trong thời khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa những ngày chấm thi, một cuộc chơi, trước một thắng cảnh trên đường đi sứ, hoặc một dịp lễ tết… nhưng nó trở thành “trường thiên cổ phong”. Lại có những bài thơ đề vịnh kèm theo những nhận xét mang tính khảo cứu. Các thi gia Ngô Thì đã thử tài trên tất cả các thể thơ, cũng ưa thích và thành công trên loại cổ thể. Riêng Ngô Thì Sĩ ưa thích những sinh hoạt hát xướng. Có lẽ bởi thế mà trong động Nhị Thanh ông dành riêng không gian rộng nhất để làm sân khấu. Tương truyền tại sân khấu này, xưa kia Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc thết đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát… Tại vị trí này, ánh sáng mặt trời rọi qua cửa Thông Thiên trên đỉnh hang chiếu xuống sân khấu thật huyền ảo.
 
Tuy nhiên, thế mạnh của Ngô gia văn phái không hẳn là thơ mà lại chính là văn xuôi. Các tác giả đều ham thích đọc tiểu thuyết và viết truyện trong đó phải kể đến một thành tựu nổi bật: Hoàng Lê nhất thống chí, viết về những điều “tai nghe mắt thấy”, những sự kiện “long trời lở đất” ngay trong thời đại của các tác giả. Tác phẩm là sự hội tụ mọi thể nghiệm của Ngô gia văn phái, dựa trên những sự kiện xác thực được xác minh rõ ràng. Chính điều đó mà nhiều nhà sử học, văn học đôi khi sử dụng những ghi chép của Hoàng Lê nhất thống chí như một tài liệu chính sử. Và sau này, việc xác định tác phẩm thuộc thể loại “chí” hay những thể loại khác như ký sự lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết chương – hồi hay tiểu thuyết biên niên sử… cũng trở thành đề tài được bàn thảo trong thời gian khá dài. Điều đó cũng thật dễ hiểu, bởi đối với văn học cổ thì ranh giới thể loại thường không quá rạch ròi. Tuy nhiên kết cấu tác phẩm lại được tuân thủ một cách nghiêm ngặt thì không thể bàn cãi.
 
Sức sáng tạo của các thi gia Ngô Thì là một điều rất đáng nể trọng. Bên cạnh những đóng góp lớn lao về mảng thơ văn nước nhà, Ngô gia còn có công khai thác  được nhiều cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam, đưa chúng trở thành những thắng cảnh độc nhất vô nhị, làm đề tài cho thơ văn như Động Nhị Thanh, Tam Kiều, núi Bàn A, cảng vụng chùa chiền vùng Phú Xuân… Có lẽ sẽ còn nhiều điều bất ngờ đang chờ đợi tôi khám phá về Ngô gia văn phái, bởi trên tay tôi lúc này là tuyển tập Ngô gia văn phái – tập 1 và tập 2 của PGS.TS Trần Trị Băng Thanh và PGS.TS Lại Văn Hùng đồng chủ trì tuyển dịch, giới thiệu và chú giải, trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, của Nhà xuất bản Hà Nội. Mời độc giả cùng tìm hiểu trong những bài viết sau.
 
 
Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)