Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 31/03/2016 09:43
Mảng văn học viết về đề tài Hồ Tây

Tây Hồ không chỉ là một tấm gương nước, mà còn là một tấm gương phản ánh tâm tư tình cảm của văn nhân thi sĩ. Tây Hồ là nguồn cảm hứng, nguồn thi đề, nguồn rung động của bao thế hệ danh nhân tài tử. Mảng văn học viết về Hồ Tây gồm nhiều thể loại: ký, chí, truyện, thơ, phú… Phần lớn viết bằng chữ Hán, một số ít bằng chữ Nôm. Đến thời hiện đại thì bằng chữ quốc ngữ.

 
Có thể nói rằng hầu như đã là nhà thơ, nhà văn lớn và đã ở hoặc đến với Thăng Long - Hà Nội thì đều có sáng tác về Hồ Tây. Tuy vậy, Hồ Tây chỉ đi vào thơ từ đời Lê Thánh Tông tức nửa sau thế kỷ XV. Từ thời này đã có những tác giả như Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Nhật Tuyên rồi sau đó là Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu…Cả những vị vua chúa cũng bị Hồ Tây hớp hồn và gửi lại đây những thi phẩm đẹp như chúa Trịnh Sâm, vua Quang Toản, hoàng tử Tùng Thiện vương… Đặc biệt, trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII có ba nhà thơ nữ tài danh thì cả ba đều đã sống bên sóng nước Hồ Tây và để lại những sáng tác bất hủ nhờ bối cảnh của Hồ Tây. Đó là Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương và Bà huyện Thanh Quan.
 
Cùng một dòng với thơ là phú. Đặc sắc có những bài phú hay về cảnh sắc Tây Hồ là bài Tây Hồ phong cảnh của Ngô Thì Sĩ, bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng và bài Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái.
 
Đến các tác giả văn xuôi cổ, họ cũng không thua các nhà thơ trong việc tôn vinh vẻ đẹp của hồ. Đọc Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú); Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ); Thượng Kinh ký sự (Lãn Ông); Tây Hồ chí (khuyết danh), Thánh Tông di thảo (khuyết danh) hình ảnh Hồ Tây cũng chứa chan tràn ngập. Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm văn xuôi chữ Hán khác nữa gắn với cảnh sắc Tây Hồ. Thời cận đại, hai tác giả điển hình của thi đàn Việt Nam là Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải đều có thơ về Hồ Tây. Tản Đà có bài Tây Hồ vọng nguyệt, còn Á Nam thì có bài Vịnh cảnh Tây Hồ. Ngoài ra cùng thời với họ còn có Phan Kế Bính đã để lại áng văn hay nhất nhan đề “Đêm trăng chơi Hồ Tây” đã đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1916. Giai đoạn thơ mới 1930 - 1945 ít có tác giả đề cập đến đề tài Hồ Tây. Chỉ từ 1954, thơ về Hồ Tây mới rộ lên. Rất nhiều tác giả có các sáng tác về Hồ Tây như  Hồ DZếch, Đoàn Văn Cừ  hay Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn… Không thể kể hết các tác giả thơ hiện đại về Hồ Tây. Chỉ có thể bắt chước Xuân Diệu mà nói Hồ Tây là “vú mộng muôn đời thi sĩ”. Không chỉ thi sĩ mà văn sĩ cũng vậy, văn xuôi hiện đại cũng góp phần làm phong phú “mặt gương Tây Hồ”.
 
Trong tác phẩm được coi là mở đầu cho tiểu thuyết lãng mạn thế kỷ XX - quyển Tố Tâm viết năm 1922 - Hoàng Ngọc Phách từng lấy Tây Hồ làm bối cảnh cho giây phút bắt đầu cuộc tình tan vỡ của cặp tài tử giai nhân Tố Tâm - Đạm Thủy. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời của nhà văn Khái Hưng - Nửa chừng xuân, in năm 1934 - kể về cuộc đời của cô Mai bất hạnh cũng có đoạn kể về Hồ Tây ở giây phút nhân vật chính này đang mơ ước một ngày mai tốt đẹp. Trong tiểu thuyết hiện thực Số đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng có thấp thoáng hình ảnh khách sạn Bồng Lai bên bờ Hồ Tây. Đến đầu thập kỷ 40 phải kể đến những tác phẩm của Tô Hoài gắn với vạt hồ này, đó là: Quê người, Giăng thề, Nhà nghèo,, Cỏ dại, Chuyện cũ Hà Nội… và đặc biệt là bài bút ký Hồ Tây thật sự là áng văn chương đặc sắc của ông. Nguyễn Tuân, tháng Giêng năm 1956 khi đi tham quan vùng hoa Nhật Tân đã viết bài tùy bút Làng hoa rất hồ hởi. Sang thời kỳ chống Mỹ, giữa bom đạn, một chút Hồ Tây cũng xuất hiện qua tiểu thuyết “Những tầm cao” của Hồ Phương, hay bút ký “Như thể tìm chim” của Quang Dũng, ký sự “Sóng rượu Hồ Tây” của Đinh Hùng…
 
Cùng với các giá trị khác như cảnh quan, kinh tế, kiến trúc, lịch sử… văn học Tây Hồ cũng là một giá trị đặc biệt đã nâng tầm Hồ Tây lên thành một chủ đề văn hóa đáng kể trong nền văn hóa Việt Nam.
 
Ngô Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)