Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 31/03/2016 09:51
Lãng đãng truyền thuyết hồ Tây

Truyền thuyết của hồ Tây cũng như mọi chuyện cổ tích của các dân tộc, không thiếu tính chất đấu tranh của con người và sức mạnh thiên nhiên, đấu tranh để sinh tồn, cuộc đấu tranh được nâng đỡ bằng những ước mơ đẹp.

 
Theo truyền thuyết, địa điểm hồ Tây là nơi có núi đất, núi đá, có hang động, có rừng già lim và bàng. Đó là một nhánh sông vòng cung, cạnh bờ là đất trũng đã trải qua bao phen lụt lớn, và nơi đó càng bị khoét sâu dần thành hồ rộng. Bạo lực thiên nhiên đã diễn ra ở đây bao lần? Con người sống ở trong vùng này, thời kỳ còn thấy mình ở lẫn với thần linh ma quái, đã bao phen trải qua những cơn khủng khiếp, đã phải cầu mong như thế nào, đã từng tin tưởng như thế nào! Con trâu Vàng từ Tiên Du lồng đến bờ Nhị Hà quằn quẫy đào đất thành hố sâu, hố to hoá thành hồ nước. Hoặc con Cáo Trắng yêu tinh đặt sào huyệt trong hang hốc nơi đây, quấy nhiễu sự làm ăn yên ổn của dân lành, phải nhờ đến uy linh của một vị thiên thần, thánh Trấn Vũ dùng phù phép đánh nhau với yêu tinh, đuổi nó đến sào huyệt và phá phách tan tành hang động, chỗ ấy hoá thành một dải hồ lớn, mênh mông. Những chuyện đó sinh ra để giải thích nguồn gốc của hồ Tây theo trí tưởng tượng của nhân dân.
 
Hay là dông bão đã tàn phá rừng cây, lũ lụt dâng nước tràn đầy, con sông Nhị đã thay dòng đổi hướng ở đoạn này, sự việc đã xảy ra từ bao giờ chưa ai xác định được. Chỉ biết về đầu Công nguyên, thời Hai Bà Trưng chống nhau với quân xâm lược Đông Hán của Mã Viện, nơi đây còn thấy sử cũ chép là cửa sông, là bãi lầy. Năm trăm năm sau, thời Lý Nam Đế chống nhau với quân nhà Lương của Trần Bá Tiên thì hồ Tây đã có rồi (Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa), rừng lim, núi đá khi ấy còn không?
 
Địa mạo vùng phía nam hồ Tây lúc bấy giờ như thế nào? Căn cứ vào một số sự kiện lịch sử như cũ, từ bờ sông đổ về xuôi, mặt đất bằng phẳng, hàng năm nước trên nguồn đổ về làm ngập tràn lan, trừ mấy cồn đất không cao lắm rải rác đây đó khác hẳn vùng phía bắc của sông Nhị. Lý Nam Đế chống nhau với Trần Bá Tiên đã dựa vào một gò đống cao, dựng luỹ trên bờ sông Tô Lịch ở nơi gọi là Tống Bình để cự địch. Tống Bình có cái thế dựa vào sông Tô Lịch và hồ Tây. Đến đời Đường, bọn quan đô hộ phải bỏ thành Long Biên trống trải ở phía bắc sông Nhị đi về phía nam bờ sông, chọn Tống Bình làm phủ Đô Hộ mới, thì thành trì mới cũng phải lấy mấy cồn đất cao đó làm nền.
 
Con sông Tô Lịch thông với nước sông Nhị bằng con sông Thiên Phù ở phía tây bắc hồ Tây, Thiên Phù và Tô Lịch hợp lưu ở vùng Bưởi rồi chảy về phía nam, mặt sông đủ rộng để lúc bấy giờ thuyền mảng có thể đi lại dễ dàng đến tận sông Nhuệ.
 
Còn quang cảnh làng mạc? Tất nhiên dân Việt biết làm ruộng lúa nước từ lâu ở mạn trung du thời Hùng Vương đã định cư đông đúc ở châu thổ sông Nhị rồi. Rừng cây bị chặt phá dần, đồng lầy được đắp bờ ngăn ra cho thoát nước đọng, đất cải tạo thành ruộng, dân cư tập trung thành xóm làng. Người đi đến đâu thì thần thánh xuất hiện và phát triển ra đến đó.
 
Đất Hà Nội xưa bắt nguồn từ khu vực phía nam hồ Tây, có sông Tô Lịch kề bên, gần sông Tô Lịch có một gò đất cao gọi là núi Nùng. Khu đất đó, sử sách chép là Long Đỗ. Thần Long Đỗ vẫn được thờ cúng như thành hoàng của những làng xóm quanh đó. Lý Nguyên Hỷ đắp La Thành (thế kỷ IX), phong Thần sông Tô Lịch làm “thành hoàng Đô Phủ”. Không biết từ bao giờ, hai thần Tô Lịch và Long Đỗ, tức là thần núi Nùng, nhập với nhau làm một, cùng là thành hoàng, coi như chỉ có một ngôi. Cao Biền (cuối thế kỷ IX) ở rộng và củng cố thành Đại La, lập đền Bạch Mã để thờ thần Long Đỗ trên đỉnh núi Nùng, coi như vị thần bảo vệ đô thành.
 
Phủ Đô Hộ An Nam về thế kỷ IX - X hẳn phải là nơi tập trung đông dân, buôn bán sầm uất, đời sống kinh tế văn hoá đã khá cao. Phố phường buôn bán, thuyền bè trên sông Nhị vào ra sông Tô Lịch. Đền miếu chùa chiền hẳn là đã có nhiều. Sử sách và bi ký còn nói đến chùa Yên Trì, được Lý Nam Đế đổi tên là chùa Khai Quốc, một di tích lịch sử đánh dấu thời đấu tranh chống ngoại xâm xây dựng đất nước độc lập. Chùa dựng trên đất phường Yên Hoa, ngoài bãi sông Nhị sau di vào phía trong hồ Tây, tức là chùa Trấn Quốc bây giờ.
 
Sang đến đầu thế kỷ XI, vua Lý Thái Tổ bỏ đất Hoa Lư, định đô ở Đại La, Kinh đô quốc gia độc lập đang trên đà xây dựng, đổi tên là thành Thăng Long. Con rồng đất Việt vươn mình lên cao bay lượn.
 
Thần Trấn Vũ, theo truyền thuyết vẫn là vị thần linh của hồ Tây trấn yêu quái, những lực lượng phá hoại của thiên nhiên, bảo hộ cho dân chúng làm ăn yên ổn, thì sau đó có nhiều làng lập miếu thờ như Yên Quang, Thuỵ Chương, Yên Thái, Yên Phụ, Đồng Xuân.
 
Từ Lý - Trần trở đi, hồ Tây được gắn liền với lịch sử Kinh thành. Truyền thuyết hồ Tây phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội nước Đại Việt từ thế kỷ XI – XII đến thế kỷ XVII – XVIII.
 
Thuở ấy, nghề dệt ven hồ Tây có dệt vải, dệt lụa; nghề làm giấy sản xuất ra các loại giấy dùng cho học trò và đời sống hàng ngày; và còn nghề nấu rượu, nghề đúc đồng…
Tại hòn đảo nhỏ giữa hồ, nay thuộc Trúc Bạch có gò Cẩu Nhi và đền Cẩu Nhị. Theo truyền thuyết Lý Công Uẩn tuổi Tuất (Giáp Tuất 974), lập quốc đô ở Thăng Long cũng năm Tuất (Canh Tuất - 1010), có con chó ở chùa Cổ Pháp (quê vua Lý) về đây đẻ được một con lông trắng trán có đốm đen hình chữ “vương” được người ta cho là điềm ông lên làm vua. Điềm chó trắng báo việc Công Uẩn làm vua, điềm ngựa trắng - Thần Long Đỗ - giúp vua xây thành. Giữa đảo hoang cây cỏ mọc lên một ngôi đền xinh xắn tô điểm cho phong cảnh hồ.
 
Vua Lý Thái Tông sau khi dẹp được vụ biến ba hoàng tử nổi loạn định cướp ngôi, có sai dựng một ngôi đền ở Cửa Tây thành Thăng Long, trên bờ hồ Tây, sau chùa Thánh Thọ, trong đền thờ thần Đồng Cổ, nói là thần đã âm phù nhà vua khi còn là Thái tử đi đánh Chiêm Thành. Thần Đồng Cổ (thần Trống Đồng) được phong làm “Thiên hạ minh chủ”. Ngày hành lễ là ngày 4 tháng 4, mọi người ở Kinh thành nô nức đi xem, nghi lễ trang trọng, thật là một ngày hội lớn của hồ Tây.
 
Làng Hồ Khẩu có hai ngôi đền thờ hai anh em, đều là tướng giỏi về triều vua Lý Thần Tông. Đền thờ người anh là đền Dực Thánh, đền thờ người em là đền Vệ Quốc đều ở ven hồ Tây.
 
Chung quanh hồ Tây có nhiều làng chuyên nghề dệt vải lụa, làm giấy và nghề trồng hoa trồng rau. Nghề nào cũng có tổ sư của nghề ấy. Tổ sư thường đồng thời là thành hoàng làng. Những thần của làng làm nghề dệt xuất hiện về thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Công chúa Quỳnh Hoa, vợ Liễu Nghị là Phủ Doãn Phụng Thiên, bà giỏi nghề tầm tang, phát triển nghề dệt lụa ở đấy, nay là thành hoàng làng Nghi Tàm. Công chúa Ngọc Đô, cung phi Chiêm Thành ở Thiên Niên Trang cùng với 24 thị tỳ, sinh sống về nghề dệt lĩnh, nghề này được truyền cho người làng. Miếu thờ bà chúa dệt lĩnh ở bên cạnh chùa làng Trích Sài, gọi là chùa Thiên Niên. Nghề dệt vải nhỏ thì Công chúa Thụ La là tổ sư. Bà là vợ Đoàn Thưởng, quan Hộ bộ đời Lý, coi các nghề thủ công. Nhà ở ven hồ, bà có công phát triển nghề dệt vải bông tại mấy làng chung quanh. Thần tích Công chúa Thụ La cũng là thần tích của thành hoàng làng Nhược Công (nay là Thành Công).
 
Nổi tiếng ven hồ Tây còn nghề làm giấy ở vùng Bưởi. Có nhiều người ở nhiều làng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chế tạo những loại giấy khác nhau, không còn ai để lại tên tuổi và người ta đã lấy một tên chung là Thái Luân theo điển tích cũ.
 
Làng Thuỵ Chương có nghề nấu rượu nổi tiếng là thứ rượu sen, thứ sen hoa thơm mát vùng hồ Tây. Và hồ Tây còn nghề trồng hoa nữa. Công chúa Từ Hoa đời Lý ra ở chùa Kim Liên làng Nghi Tàm, chung quanh chỗ ở trồng nhiều hoa, đời Lý - Trần – Lê thời nào cũng có những nhà quyền quý có biệt thự nghỉ mát ở quanh hồ, cũng chơi hoa và trồng nhiều giống hoa thơm.
 
Hồ Tây đầy huyền thoại nuôi trí tưởng tượng, và cảnh hồ Tây lại đẹp vì cây cỏ mây nước, cảnh đẹp gợi ý làm thơ. Mà thơ lại là thơ của thần tiên, của những ông trạng, của những bậc khoa bảng mới thật ly kỳ.  Đó là hồ Tây đi vào lòng người qua bao thế kỷ. Mỗi truyền thuyết của hồ Tây thể hiện một nét nào đó của tình cảm người Hà Nội. Cảnh và người, thực mà hư, hư mà thực, dù hư hay thực thì nó cũng là một mảng của tâm hồn ta.
 
 
Khánh Như tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)