Sôi động không khí đấu tranh ngoại giao tại Thăng Long giai đoạn 1258-1284
Năm 1258, vừa bị đuổi chạy dài về Vân Nam, Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkhadai) đã sai ngay hai sứ sang dụ Trần Thái Tông vào chầu. Căm phẫn vì thấy kinh thành Thăng Long bị tàn phá, Thái Tông sai trói hai sứ lại, đuổi về.
Đời Trần Thánh Tông, cân nhắc tình hình, nhà Trần quyết định thông hiếu với Mông Cổ. Sứ Mông Cổ nhiều lần sang Thăng Long sách nhiễu, dụ vua Trần vào chầu. Vua Trần đều lựa lợi lảng tránh.
Từ năm 1261, vua Trần buộc phải để cho Mông Cổ đặt chức Đạt lỗ hoa xích (Đarugatri) ở Thăng Long, là quan chức kiểm soát mọi công việc của nước ta. Đarugatri đeo hổ phù đi lại nghênh ngang trong nước nhưng triều Trần tìm mọi cách ngăn trở khiến viên quan này không làm được nhiệm vụ, thực tế chỉ là một tên sứ giả và cũng không thường xuyên ở Thăng Long. Nhân dân Thăng Long nhận được lệnh cấm không được nói chuyện với người Hồi Hột đang ở trên đất nước ta, sợ họ tiết lộ tình hình nước ta với bọn sứ thần hay Đarugatri Mông Cổ.
Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XIII, khi nội tình Mông Cổ đã ổn định, Hốt Tất Liệt càng đưa ra những yêu sách ngang ngược đối với triều đình Thăng Long, như đòi vua vào chầu, con em phải sang làm con tin, kê biên dân số, chịu quân địch, nộp phu thuế và vẫn đặt chức Đarugatri để thống trị Đại Việt.
Triều đình Thăng Long trải qua hơn 15 năm trời tìm mọi cách thực hiện những điều đó. Từ Vân Nam, Mông Cổ luôn luôn gây sức ép quân sự với Thăng Long. Thăng Long cùng cả nước chỉnh đốn lực lượng vũ trang, làm chỗ dựa cho chính sách ngoại giao vừa mềm mỏng vừa kiên quyết của triều Trần. Không bao giờ Thái Tông chịu lạy chiếu thư của Hốt Tất Liệt. Sứ giả nào xấc láo, vua Trần sai vệ binh tuốt gươm trần để thị uy, cho uống nước sông, không cho uống nước giếng Thăng Long…
Đời Trần Nhân Tông, năm 1278, nhà Nguyên sai sứ bộ Sài Thung sang Thăng Long. Sài Thung bỏ lối Vân Nam, ngang ngược theo đường Quảng Tây vào nước ta. Nén nhịn, triều đình Trần phải sai ngự sử trung tán coi Thẩm hình viện Đỗ Quốc Kế lên biên giới đón. Tháng giêng năm 1279, thái uý Trần Quang Khải ra bờ sông Cái đón Sài Thung vào sứ quán ở Thăng Long. Sau khi nhận chiếu thư, vua Trần đặt tiệc ở điện Tập Hiền, hắn mới đến dự…
Cuối năm 1279, Sài Thung lại sang sứ Thăng Long. Quan hệ ngoại giao ngày càng căng thẳng. Triều đình Trần chuẩn bị chiến đấu khẩn trương hơn nhưng để trì hoãn thời gian thêm nữa, năm 1281, vua Nhân Tông cho chú họ là Trần Di Ái thay mình, theo Sài Thung sang Nguyên. Hốt Tất Liệt phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, lập một triều đình bù nhìn và kèm theo đó là một bộ máy thống trị thực dân, sai quân hộ tống bọn này sang Đại Việt. Quân Trần đón đánh ở biên giới, Di Ái hoảng sợ, trốn về nước trước, sau bị đày làm khao giáp binh Thiên Trường. Nhưng Nhân Tông lại sai người lên đón bọn Sài Thung về Thăng Long. Sài Thung vô lễ, từ sứ quán cưỡi ngựa nghênh ngang đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn hắn lại, Sài Thung đã lấy roi ngựa đánh họ bị thương ở đầu rồi phóng ngựa đến tận điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng mới chịu xuống. Vua Trần sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp đãi. Sài Thung nằm khểnh không chịu ra. Quang Khải đi thẳng vào phòng, Thung cũng không chịu dậy.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nghe thấy việc ấy, tâu với vua xin đến quán sứ xem Thung làm gì. Bấy giờ Hưng Đạo Vương đã gọt tóc, mặc áo vải, đi đến quán sứ, vào trong phòng. Thung đứng dậy, vái chào, mời ngồi… Mọi người đều lấy làm lạ nhưng biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là vẻ hoà thượng phương Bắc!
Khi đã an toạ, pha trà mời uống, tên hầu của Sài Thung cầm cái tên đứng đằng sau Hưng Đạo Vương, châm vào đầu Hưng Đạo làm chảy máu ra… Thế mà sắc mặt của Hưng Đạo Vương vẫn không thay đổi. Khi về, Sài Thung tiễn ra tận cửa. Sài Thung thất bại trở về nước.
Trong bài thơ tiễn, thái uý Trần Quang Khải vẫn viết rằng:
“Vị thẩm hà thời trùng đổ diện,
Ân cần ác thủ tự thê lương”.
Dịch thơ:
Biết đến bao giờ còn gặp mặt,
Ân cần tay nắm chuyện hàn huyên.
Thăng Long đời Trần đón địch bằng quân, tiễn thù bằng thơ là như thế đó! Nhưng đến giai đoạn này thì quan hệ bang giao khó bề duy trì được nữa… Trên đây là những dòng tóm khái quát về chiến công của Thăng Long trong kháng chiến chống Mông – Nguyên. Đó là những hình ảnh được tái hiện ngắn gọn cho chúng ta hôm nay biết về không khí chiến đấu sôi động trong đấu tranh ngoại giao của Thăng Long thời Trần giai đoạn 1258-1284.
Minh Khang tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội