Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tới phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội
Thời đó, do những quan điểm còn có phần hạn chế của Thiên Chúa giáo, những nhà truyền giáo phương Tây đã hướng giáo dân đến việc chối bỏ những phong tục cổ truyền, không thờ cúng tổ tiên, bỏ bát nhang hương án, cưới xin ở nhà thờ dưới chân tượng Chúa trời, chối bỏ đền chùa, quên Phật, quên Mẫu chỉ biết sáng sáng đến nhà nguyện, nhà thờ nghe cha giảng Tân ước, Cựu ước và kể chuyện đức chúa Giê-su cùng các thánh tông đồ… Chính điều đó đã khiến Thiên Chúa giáo ít được phổ biến trong xã hội thời đó, thậm chí còn bị người dân khi đó tẩy chay, xua đuổi.
Qua đầu thế kỷ XX, sự tiếp xúc với phương Tây đã nhập vào Hà Nội nhiều phong tục tập quán mới. Về ăn uống có thêm các món tây với súp, thỏ xi-vê, ngỗng ra-gu, xúc xích, giăm-bông, pa-tê,, bít-tết ăn với bánh tây và rau xà lách trộn dầu ô liu, rồi cà phê, bia, rượu vang… Về trang phục thì nam mặc áo tây, quần tây, com-plê, cà vạt, mũ phớt, giầy đơ-cu-lơ, nữ thì áo tân thời, áo măng tô, áo lơ-muya, vấn tóc trần rồi phi-dê, giày mang cá, giày muyn và phấn đắp, son tô… Rồi ở miền Bắc phụ nữ không nhuộm răng nữa, bỏ các thứ trang phục áo tứ thân, yếm cổ xẻ, váy lĩnh bốn, năm bức, bỏ cả tóc đuôi gà và khăn vấn mà để răng trắng, mặc quần trắng, uốn tóc, rồi đi xe đạp nữa, là khởi đầu từ Hà Nội rồi tỏa ra các tỉnh. Nam giới cũng vậy, cắt búi tó, để răng trắng, mặc Âu phục, đi giày Tây, cầm ba-toong, hút píp, đánh ten nít… cũng là từ Hà Nội lan ra các thành thị khác.
Về phong tục lễ hội cũng thấy những nét mới du nhập từ văn hóa phương Tây như thói quen kỷ niệm những ngày Quốc khánh, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Quốc tế lao động, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo,… rồi hệ thống phong tục tập quán Hà Nội cũng đã chú ý nhiều đến việc chúc mừng ngày sinh của gia đình, bạn bè, người thân chứ không như trước đây chỉ chăm chăm lo ngày giỗ. Ai nấy đều biết rằng Giáng sinh xưa nay là ngày lễ trọng đại của những tín đồ Thiên Chúa giáo và dần dần ngày nay vui đón Noel đã không còn chỉ là tục lệ của riêng giáo dân.
Về kiến trúc đã xuất hiện những kiến trúc mang phong cách châu Âu như: Đại Khách sạn (Gran Hotel) mọc lên ở phố Hàng Thêu (nay là Hàng Trống), rồi những ngôi nhà Tây ba tầng, những cửa hiệu thuốc Tây mang tấm biển “Hiệu thuốc Tây Raynaud Balanc, dành cho người Pháp và người bản xứ Đông Dương”, xưởng in và nhà sách Schneider, các trường học Bảo hộ, Đồng Khánh,… đã làm thay đổi Thăng Long - Hà Nội vừa mang dáng dấp của một thành phố đứng đầu “xứ Bắc Kỳ” thuộc địa, vừa là thủ phủ của toàn cõi “Đông Dương thuộc Pháp”. Về giao thông vận tải đã xuất hiện những chiếc xe người kéo làm phương tiện đi lại cho các quan đầu tỉnh – tập quán đi lại ở một đô thị trung cổ thay cho thói quen với việc đi bộ, đi cáng hoặc đi thuyền. Không chỉ ăn cơm Tây, ở nhà Tây, mặc quần áo Tây (Âu phục), uống rượu Tây, đi nhà hát Tây (Nhà hát lớn), nói tiếng Tây (hoặc chỉ là Tây bồi), hút xì gà, đi xi-nê-ma, đi nhảy đầm… tất cả đã thâm nhập và can thiệp mạnh mẽ vào hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội