Cầu Long Biên – Giá trị tinh thần của người Hà Nội
Cầu Long Biên với tuổi thọ hơn 100 năm là một trong những biểu tượng lịch sử và công nghệ của những năm đầu thế kỉ XX. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, nó nằm trên con đường giao thông huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Cây cầu ra đời trong hoàn cảnh đất nước chịu sự cai trị của Pháp, nhằm đáp ứng mục đích quân sự, giao thông, góp phần hình thành tam giác kinh tế Hà Nội –Hải Phòng – Quảng Ninh, giải quyết được nhu cầu đi lại thông thương hàng ngày rất lớn của công chúng, đặc biệt là khi mùa lũ lên của con sông Hồng vốn nổi tiếng là hung dữ đã đặt ra vấn đề rất cấp bách đối với người Pháp khi bắt đầu đặt ách thống trị lên đất nước ta.
Người có công lớn trong việc xây dựng cây cầu thế kỷ này, phải kể đến là Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, khi ông nhận chức ông đã thấy sự cần thiết của việc phải có một cây cầu bắc qua sông Hồng. Mặc dù có rất nhiều ý kiến không tán thành việc xây dựng cầu của số đông quan chức người Pháp và người dân bản xứ, những nhà buôn và những người có đầu óc cổ hủ, ông đã quyết tâm thực hiện ý đồ của mình và mạnh dạn đề cập trong Báo cáo về chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.
Vì cây cầu được xây dựng bắc qua một con sông sâu và rộng, nổi tiếng là hung dữ với mực nước lên xuống thất thường, nên các nhà thiết kế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều chuyến đi khảo sát, nhiều cuộc tranh cãi, mãi đến cuối năm 1891 hồ sơ cây cầu đã được thiết kế theo những chuẩn mực hiện đại của thời đó. Ngày 6/11/1897, Chính phủ Pháp đã chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật và cho phép tiến hành tổ chức đấu thầu với 6 công ty tham gia, mỗi công ty đưa ra 2 phương án trước sự thẩm định của một Hội đồng do Thống sứ Bắc kỳ làm chủ trì. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhận định “Đây là cây cầu mà hệ thống kim loại được sử dụng mang nét độc đáo và mới cần phải tính đến việc xây dựng nó ở Hà Nội” và chọn Công ty Daydé & Pillé làm nhà thầu chính thức.
Ngày 13/9/1989, lễ khởi công xây dựng cây cầu này đã được thực hiện trước sự chứng kiến của đông đảo các quan chức và dân chúng. Điều hành công việc xây cầu là một đội ngũ gần 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp cùng với hơn 3.000 công nhân người Việt. Việc xây dựng cầu diễn ra suôn sẻ, không gặp trở ngại gì lớn nên chỉ sau có hơn 3 năm đã hoàn thành. Đúng 8h ngày 28-2-1902, chuyến tàu đầu tiên chở vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương cùng đoàn tùy tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành. Tại buổi lễ, cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ được đặt tên theo người đã khai sinh ra nó Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Cũng từ ngày này, bến phà đường sông Hà Nội đã bị xóa bỏ, nhu cầu đi lại thông thương của người dân Bắc Kỳ đã không còn khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Cầu Long Biên được khánh thành cũng đánh dấu giai đoạn Hà Nội chuyển hoá từ một đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại theo trào lưu của thế giới. Cũng nhờ cầu Long Biên mà đô thị Hà Nội sau thời thuộc Pháp đã có cấu trúc không gian khá hoàn chỉnh với bốn thành phần cơ bản: Hoàng thành; Khu phố buôn bán cổ của người Việt; Khu phố Pháp cho các công sở và cây cầu mở đầu cho kinh tế hàng hóa.
Tổng chiều dài của cầu Long Biên vào khoảng 1.862m gồm có 19 nhịp, đặt trên 20 trụ, đường xe lửa ở giữa, 2 bên có đường rộng 1,3m dành cho người đi bộ. Từ năm 1902 đến năm 1922, cầu Long Biên chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thông thương bằng đường sắt, người đi bộ. Về sau do nhu cầu giao thông tăng lên mới mở rộng thêm phần đường bộ 2 bên dành cho xe cơ giới với 4 làn tránh xe.
Tháng 7 năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai – Đốc lý Hà Nội lúc đó đã đổi tên thành cầu Long Biên và tên gọi đó được gọi cho đến ngày nay. Kể từ khi xây dựng đến nay cây cầu này đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai, địch họa. Nhưng như một điều kỳ lạ, cây cầu vẫn đứng vững hơn một thế kỷ, ở vị trí giao thông xung yếu nhất nhưng nó vẫn không ngã gục qua các trận lũ lụt lịch sử, vỡ đê sông Hồng… những trận đánh bom dữ dội của không quân Mỹ.
Cầu Long Biên như một minh chứng lịch sử chứng kiến những biến đổi, thăng trầm của mảnh đất thủ đô và cũng là chiếc cầu lưu giữ ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội