Dấu ấn các danh tướng triều Trần qua tên đường phố thủ đô
Nói đến các danh tướng của triều đại nhà Trần người đầu tiên phải kể đến chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà nhân dân quen gọi là Trần Hưng Đạo – một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự mà công lao và sự nghiệp cứu nước của ông sẽ sống mãi với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Con phố ở thủ đô mang tên ông có chiều dài hơn 2km, được bắt đầu từ đường Trần Khánh Dư tới phố Lê Duẩn trước cửa ga Hà Nội, cắt ngang qua ngã sáu vườn hoa Bình Than, các phố Quang Trung, Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung, Quảng trường 1-5, trước Cung văn hóa lao động hữu nghĩ Việt Xô. Con phố này đã trải qua nhiều lần đổi tên với các tên gọi khác nhau: Thời Pháp thuộc nó có tên là đại lộ Găm-bét-ta (boulevard Gambetta) năm 1945 đổi tên thành phố Trần Hưng Đạo, năm 1949 đổi thành Đại lộ Trần Hưng Đạo và tên gọi phố Trần Hưng Đạo như ngày nay là được chính thức đổi vào năm 1954.
Trần Quốc Toản - vị tướng trẻ của triều đại nhà Trần gắn liền với câu chuyện về lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” đã anh dũng hy sinh khi mới 18 tuổi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ noi theo. Tên của ông được đặt cho một con phố dài hơn 1km của quận Hoàn Kiếm, con phố này được bắt đầu từ phố Huế đến phố Yết Kiêu, cắt ngang qua các phố Bà Triệu, Trương Hán Siêu, Quang Trung, Liên Trì, Trần Bình Trọng.
Con đường chạy dọc theo sông Hồng với chiều dài khoảng 2km, từ góc giao nhau với phố Hàng Muối đến ngã ba đầu phố Tràng Tiền nối với đường Trần Khánh Dư trước năm 1933 là bến Ghi-lơ-mô-tô (quai Guillemoto) đến năm 1945 đổi thành phố Trần Quang Khải. Trần Quang Khải là danh tướng, một nhà thơ đặc sắc, con thứ hai của vua Trần Thánh Tông và là học trò của nhà soạn sử đầu tiên của đời Trần Lê Văn Hưu.
Nối tiếp với đường Trần Quang Khải ở đầu phố Tràng Tiền đến đầu đường Nguyễn Khoái ở ngã tư Vân Đồn – Lê Quý Đôn là đường Trần Khánh Dư. Ông vốn là người họ hàng của vua nhà Trần, được phong chức Nhân Huệ vương. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất ông đã lập được nhiều công lớn và được vua Trần Thái Tông phong chức Phiêu kỵ Đại tướng quân. Đường Trần Khánh Dư ngày nay có chiều dài khoảng 2km, rộng 12m thuộc phường Phan Chu Trinh quận Hoàn Kiếm và phường Bạch Đằng quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc trước năm 1933 gọi là bến Rê-na (quai Rheinart) đến năm 1945 được chia thành hai đoạn một đoạn đổi tên là phố Trần Khánh Dư, đoạn còn lại đổi thành tên đường Nguyễn Khoái.
Được bắt đầu từ Hàng Đậu (đầu cầu Long Biên) đến đầu phố Trần Quang Khải, chỗ ngã ba Hàng Mắm dài khoảng hơn 1km thuộc phường Đồng Xuân và Lý Thái Tổ là con đường mang tên người con thứ sáu của vua Trần Thái Thông Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ông là một danh tướng, môt nhà ngôn ngữ giỏi, ông có biết nhiều thứ tiếng: tiếng Tống (tức tiếng Trung Quốc, thế kỷ XIII), tiếng Mông Cổ và một số tiếng dân tộc miền núi nước ta, ông sành cả âm nhạc, tinh thông nho giáo, đạo giáo. Đoạn đầu đường này, từ cầu Long biên đến phố Ô Quan Chưởng trước đây có tên là phố Hàng Nâu, đó là địa phận thôn Nguyên Khiết thượng. Đoạn còn lại là đất thôn Nguyên Khiết hạ rồi thôn Hương Bài. Cả ba thôn này đều thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương cũ.
Con đường mà xa xưa nó là một đoạn của bức tường phía nam thuộc toà thành đất vòng giữa bao bọc quan khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long mang tên người anh hùng Trần Khát Chân. Trần Khát Chân (1370 -1399) đã lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, đập tan đạo quân xâm lược của Chiêm Thành được vua Trần phong tước Thượng tướng quân. Ngày nay, con đường này được bắt đầu từ phố Lãng Yên chỗ cửa ô Đông Mác, đến ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai.
Là một con phố mới của quận Hoàng Mai bắt đầu từ đường vành đai 3 đến khu nhà Nơ 5 khu chung cư Pháp Vân, Tứ Hiệp nay thuộc phường Hoàng Liệt là con phố mang tên nhà chính trị lỗi lạc có công sáng lập ra nhà Trần Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ với câu nói bất hủ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin Bệ hạ đừng lo” thể hiện ý chí chống giặc và lòng trung thành tuyệt đối của ông với đất nước.
Còn rất nhiều con đường, ngõ phố mang tên các danh tướng không chỉ của triều đại nhà Trần mà còn của nhiều triều đại khác có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu hãy tìm đọc cuốn sách “Từ điển đường phố Hà Nội” trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội