Di tích An toàn khu Cổ Loa
Nơi đây cũng là một trong những cơ sở liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong vùng an toàn khu (ATK) của huyện Đông Anh, là trạm liên lạc giữa miền xuôi và chiến khu Việt Bắc thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, là nơi các đồng chí trong thường vụ Trung ương Đảng thường xuyên ăn ở, làm việc để chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc.
Vốn có truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng, nhân dân Cổ Loa đã sớm đón nhận ánh sáng của Đảng từ năm 1938, trong đó phải kể đến đồng chí Nguyễn Văn Chén (xóm Vang) là người đầu tiên được giác ngộ và hăng hái hoạt động, sau đó là người tuyên truyền cho các anh Giá, Tín, Phú… trở thành những cơ sở liên lạc của cán bộ.
Tháng 9/1939 Cổ Loa là nơi đặt cơ quan in ấn báo Cờ giải phóng, Cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tháng 12/1939, bọn địch tăng cường vây ráp, khám xét cơ sở cách mạng ở Cổ Loa, bắt đi một số người; cơ sở in báo của Đảng phải chuyển về Viên Nội. Đến tháng 4/1945, cơ quan báo lại chuyển về làng Sằn, Cổ Loa và đặt tại nhà ông Nguyễn Đình Thìn cho đến ngày Tổng khời nghĩa. Giữa năm 1941, đồng chí Trần Thị Sáu được Đảng cử về xây dựng cơ sở cách mạng ở Đông Anh để chuẩn bị cho cuộc vận động Cách mạng tháng Tám. Lần lượt các xã Cổ Loa, Hải Bối, Võng La, Tầm Xá, Vĩnh Ngọc, Viên Nội trở thành các ATK của huyện Đông Anh. Ở Cổ Loa, đồng chí Lê Đình Thiệp được Trung ương Đảng cử về xây dựng cơ sở. Đồng chí Sơn cùng gia đình (có nghề làm hương) đã nhanh chóng trở thành cơ sở cách mạng thời kỳ 1943-1945. Đồng chí Thiệp và đồng chí Sơn đã nhanh chóng giác ngộ những thanh niên tiến bộ ở Cổ Loa như các đồng chí Giá, Tiến, Trương Văn Đông, Trần Trung, Đào Duy Tùng, Trương Quốc Thái… gia nhập đội ngũ cách mạng của Đảng. Những gia đình cơ sở ở Cổ Loa ngày càng nhiều như gia đình cụ Trương Văn Dục (xóm Chùa), gia đình cụ Hận (xóm Gà)…
Mùa đông năm 1944, đồng chí Văn Tiến Dũng, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ trốn khỏi nhà tù Bắc Ninh về Trung Mầu, sau đó về Cổ Loa dưỡng bệnh, được vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn và gia đình anh Nguyễn Văn Phú cùng người em là Nhị hết lòng chăm sóc. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và sự lùng sục gắt gao của kẻ thù, các gia đình cơ sở ở Cổ Loa đã cứu sống và bảo vệ an toàn cho đồng chí Văn Tiến Dũng.
Cổ Loa không chỉ là cơ sở ATK của huyện Đông Anh mà còn là nơi đón nhận vũ khí ở các nơi tập trung về, mang lên chiến khu, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các cán bộ ATK. Với bề ngoài như người đi lễ, các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt đã nhiều lần gặp gỡ, hội ý công việc của Đảng tại đình Cổ Loa và nhà bia bên cạnh đền An Dương Vương. Như vậy, với lòng dân trung kiên, với địa hình thuận lợi, Cổ Loa đã trở thành đầu mối giao thông từ ATK của Trung ương lên chiến khu Việt Bắc.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Không khí cách mạng chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa ở Cổ Loa diễn ra sôi động, các lực lượng tự vệ nhanh chóng được thành lập, chuẩn bị khí giới và hăng say luyện tập. Đầu tháng 4/1945, tại bãi Dành, đội công tác của Trung ương phối hợp với các chi bộ địa phương tổ chức một cuộc mít tinh với gần 200 người tham dự.
Trong suốt thời gian dài hoạt động ở Cổ Loa, các đồng chí cán bộ cách mạng, trong đó có những cán bộ cao cấp của Đảng, đã được nhân dân Cổ Loa hết lòng bảo vệ.
Thanh Mai
Nhà xuất bản Hà Nội