Bưu điện Hà Nội - nơi trận địa chống Pháp năm 1946
Từ những ngày đầu tháng 12/1946, thực dân Pháp tăng cường khiêu khích và gây xung đột ở Thủ đô. Chúng đốt Nhà thông tin Bờ Hồ (4/12), xả súng bắn vào lực lượng công an ta đang làm nhiệm vụ giữ trật tự (10/12), tiến công tự vệ, tàn sát nhân dân phố Hàng Bún, Yên Ninh (17/12), gửi tối hậu thư, đòi tước vũ khí tự vệ, chiếm sở công an (18/12).
Quân dân Thủ đô sôi sục căm thù, thề chiến đấu đến cùng bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 16/12/1946, Vệ quốc quân làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để bảo vệ Thủ đô”. Ngày 18/12, tự vệ thành Hà Nội họp quyết nghị: Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với Thủ đô”.
Sở Bưu điện Hà Nội là cứ điểm trọng yếu của Thủ đô. Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Chiều ngày 18/12/1946, mấy trăm viên chức Sở Bưu điện đã cùng nhau tuyên thệ trước lá cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ tịch: “Chúng tôi, toàn thể viên chức bưu điện Hà Nội có mặt tại đây xin thề là bao giờ chúng tôi cũng cương quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong công cuộc chống giặc ngoại xâm để thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho đất nước”.
Trước đó, ngày 19/4/1946, Hội đồng Bưu điện 6 khu Hà Nội gồm: Sở Bưu điện Hà Nội, Nha Tổng giám đốc Hà Nội, Nha Giám đốc Bưu điện, Bắc bộ Bưu điện, Bưu chính Trung ương tổ chức mít tinh phản đối Pháp không thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3, triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Sở Bưu điện Hà Nội được giao nhiệm vụ: Tổ chức di chuyển một số máy móc để phục vụ kháng chiến, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu, tổ chức lực lượng tự vệ, phối hợp với vệ quốc đoàn chiến đấu bảo vệ Sở, giữ vững mặt sau Bắc Bộ phủ, phá các thiết bị không di dời được, không để lọt vào tay giặc.
Đêm 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Pháp tập trung ở khu vực Bưu điện Hà Nội và tổ chức nhiều đợt tấn công, tự vệ và bộ đội ta đã chiến đấu vô cùng gan dạ, dũng cảm.
9 giờ sáng ngày 20/12, một gian đầu phía nam Nhà Bưu điện bị bắn sập. Địch chiếm được Bắc Bộ phủ. Lực lượng ta rút sang nhà Bưu điện, từ tầng 3, dùng súng bắn sang gây nhiều thương vong cho địch.
12 giờ trưa, địch dùng 3 xe tăng mở đợt tấn công mới vào Bưu điện. Một sĩ quan Pháp bị tự vệ tiêu diệt, một xe tăng bốc cháy, địch phải rút lui. Lần thứ ba, địch tấn công vào mặt tiền nhà Bưu diện, nhưng một lần nữa, với súng trường, lựu đạn và chai xăng, tự vệ và bộ đội ở nhà Bưu điện đã buộc địch phải rút lui, tháo chạy.
Khi địch chiếm được Nhà Bưu điện Hà Nội thì nhiều máy móc đã được di chuyển ra vùng kháng chiến, những thiết bị không mang đi được, đặc biệt là đài phát, đã được phá hỏng hoàn toàn.
Sau hoà bình lập lại, Chính phủ Trung Quốc đã giúp ta xây dựng lại Bưu điện Hà Nội. Hiện nay, tại phòng truyền thống của ngành bưu điện đang lưu giữ một số tư liệu, bút tích về cuộc chiến đấu của cán bộ công nhân viên chức ngành bưu điện, một bức thư tường thuật cuộc chiến đấu của cán bộ, công nhân bưu điện ngày 19/12/1946, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Chiến đấu giữa vòng vây”. Phía trước toà nhà được thành phố gắn biển “Ngày 20/11/1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.