Hoa văn các loài chim trên đồ đồng Hà Nội
Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có một vành hoa văn được dành riêng cho việc trang trí hình chim. Đó là vành thứ 10 kể từ tâm trống, gồm có mười tám con chim đang bay và mười tám con chim đang đứng xen kẽ nhau. Chim bay có lẽ là loài có mỏ dài, có mào, đuôi và chân dài, mình gầy. Chim đậu thuộc loài khác, mà dễ nhận là loài bồ nông. Con thì có mỏ ngắn vểnh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, phần lớn đang ngậm mồi. Ngoài một vành chỉ đặc tả hình chim trên mặt trống còn có vành thứ tám với hai nhóm chim bay xen giữa hai nhóm hươu chạy. Chim có đầu to, mỏ to, đuôi ngắn và khác với loài chim được khắc họa trên vành thứ mười. Vị trí gần đôi nam nữ đang giã cối trên mặt trống cũng có hình tượng chim đậu trên nóc nhà sàn, có một hình dáng giống con công và một hình giống gà trống. Ở phần tang trống có nhiều chim đứng xen kẽ với những hoa văn hình thuyền. Có chỗ hai con chim quay đầu vào nhau, có chỗ miêu tả cảnh tượng trữ tình với chim nhỏ đậu lên lưng chim lớn, có con được ngậm mồi. Đặc biệt, ở vị trí đầu mũi thuyền còn có hình một con chim đang khép cánh lao xuống.
Trên những trống đồng khác, mô típ chim cũng được lặp đi lặp lại như trống đồng Ngọc Lũ, có thay đổi về số lượng chim và một vài chi tiết. Trống đồng Cổ Loa có vành chim bay với 16 con và trên mặt trống đồng Hoàng Hạ có vành chim bay gồm 14 con khá giống hình chim trên trống Ngọc Lũ. Bên cạnh chim trên mặt trống còn có hình chim trên tang trống nữa.
Một số trống Đông Sơn muộn có hoa văn hình người đã “hình học hóa” thành hoa văn quen gọi là “văn cờ bay” thì trang trí hình chim cũng vậy, những con chim chỉ là những đường nét hình học cơ bản, rất khó nhận ra.
Trên các loại đồ đồng Đông Sơn khác cũng có hoa văn hình chim như trên thạp đồng Việt Khê, âu Đào Thịnh, chậu đồng Thanh Hóa. Đặc biệt, hình tượng chim trên trống và thạp Việt Khê có dáng thanh thoát, tính biểu cảm cao.
Trên rìu đồng gót vuông, một số hình chim lại được miêu tả ở tư thế đang bổ nhào từ trên không xuống trong một cảnh có người, chó đang săn hươu. Trên loại qua đồng ở Đông Sơn cũng có hình chim đang đứng, đầu chúc xuống như đang tìm mồi.
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt cổ yêu thích hình tượng chim đến vậy. Chim gần gũi với người Việt cổ trồng lúa nước. Lắm sông ngòi, ao hồ là điều kiện tự nhiên tuyệt vời cho những loài chim nước như cò, vạc, bồ nông. Hình tượng loài cò được khắc họa nhiều trên đồ đồng đã được một số nhà sử học coi đó là tô tem của người Việt cổ. Con chim trên trống đồng Ngọc Lũ gần đây được coi là “chim Lạc” để gắn với một thời đất Việt xưa có vua Hùng, có Lạc Vương, Lạc Tướng, Lạc dân và Lạc điền…
Ngô Duy
NXB Hà Nội