Khai thác du lịch ở khu vực phố cổ Hà Nội
Khu vực phố cổ Hà Nội mới chỉ có một tuyến phố đi bộ vào buổi tối ngày cuối tuần. Sẽ hấp dẫn du khách hơn nếu có nhiều tuyến phố đi bộ giữa lòng Thành phố, giữa các con phố cổ để khách được thư thả ngắm nhìn cảnh quan, mua sắm nhộn nhịp hoặc tham gia thử các món ăn đường phố dân dã. Giải pháp phát triển các phố đi bộ cùng các hoạt động du lịch trong khu phố cổ cần được tính đến trước mắt và cả lâu dài.
Trong khu phố cổ có rất nhiều phố nghề; phần lớn có tên bắt đầu bằng chữ Hàng. Đó là các phố chuyên doanh, nơi buôn bán mặt hàng đặc trưng tên phố, những sản phẩm truyền thống theo từng hộ phường, hội nghề. Đất Kẻ Chợ biến động theo thời gian; nhiều phố Hàng đã mất dần sản phẩm đặc trưng hoặc thay vào đó là các sản phẩm hoàn toàn mới để phù hợp với nhu cầu xã hội. Hầu như Hà Nội không còn phố nghề với tư cách vừa là nơi bán hàng vừa là nơi sản xuất. Đến nay, phố nghề Hà Nội xưa chỉ còn 6 phố còn giữ đúng nghề, nghĩa là còn có các hoạt động sản xuất mặt hàng truyền thống. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc có những biện pháp cần thiết để gìn giữ các phố nghề truyền thống, việc tổ chức tham quan, giới thiệu nghề truyền thống tại một số cơ sở làm nghề hoặc kinh doanh trên phố nghề cho du khách cũng là việc cần quan tâm. Một chuyến tham quan và tìm hiểu lịch sử phát triển nghề truyền thống ưa thích sẽ tạo cho khách du lịch một cảm giác khó quên khi đến với phố cổ Hà Nội. Tại sao lại gọi là phố Lò Rèn, hay phố Hàng Thiếc, Hàng Hòm… trên phố có bao nhiêu nhà còn làm nghề, họ làm nghề như thế nào và còn nhiều câu hỏi mà du khách muốn được giải đáp.
Nhiều phố cổ ở Hà Nội gắn với nền ẩm thực mà du khách đánh giá cao ở Việt Nam. Tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của địa danh, của từng con phố và thưởng thức các món ăn được chế biến với loại đặc sản mà phố đó mang tên, hoặc việc được đưa đi chợ phố để học chế biến các món ăn dân tộc là loại đặc sản của phố, là những sản phẩm du lịch đặc thù mà không ít du khách tò mò muốn được khám phá. Vậy nên, Hà Nội cần tổ chức tốt hơn nữa và mở rộng hơn những điểm du lịch ẩm thực như phố Tống Duy Tân, để có thể giới thiệu nhiều hơn nữa nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã biết đến Việt Nam qua những món ăn nổi tiếng như nem, như phở Hà Nội. Bởi vậy, người làm du lịch phải làm thế nào để khách thêm yêu, thêm hiểu về các món ăn Việt Nam.
Hà Nội còn đang thiếu các hoạt động giải trí ban đêm mà đô thị du lịch thường phải tổ chức như một thế mạnh. Làm thế nào để du khách có chỗ để xem, để chơi ban đêm? Có thể là: Phát triển các phố mua sắm đêm, chợ hoa đêm và phố ẩm thực ăn đêm, các cụm vui chơi giải trí ban đêm.
Các tuyến phố mua sắm đêm được đưa vào hoạt động từ năm 2004 đã thu hút được sự quan tâm của dông đảo du khách và nhân dân Thành phố. Có thể thấy, hoạt động này rất được ưa chuộng, nhưng để tổ chức hoạt động này một cách có hiệu quả cần phải xây dựng nhiều tuyến phố mua sắm với đa chủng loại mặt hàng có quy hoạch sắp xếp khoa học theo tên phố.
Chợ hoa đêm là một nét văn hóa và cũng là nơi giao thương của các gánh hàng hoa chuyển lên các tuyến phố trung tâm. Chợ hoa đêm có thể trở thành nơi mà khách du lịch có thể hòa mình vào để tận hưởng một không khí thanh bình của Hà Nội về đêm. Đây cũng là nét độc đáo của du lịch Hà Nội vì cũng không có nhiều thành phố trên thế giới có những làng hoa ven đô như Hà Nội. Đây quả thực là một lợi thế của ngành du lịch Hà Nội mà bấy lâu nay chưa được quan tâm phát triển. Nhất là trong bối cảnh mà nhiều hình thức giải trí sôi nổi ban đêm, như tại các đô thị du lịch trên thế giới, còn chưa được cho phép tổ chức ở Việt Nam thì những hoạt động như thế này sẽ là cách bổ sung hợp lý cho sự thiếu thốn đó.
Ăn đêm không chỉ là thú vui mà cũng là nhu cầu tìm hiểu văn hóa của khách đi du lịch. Ăn đêm để thưởng thức những món ăn rất Hà Nội, ăn theo lối Hà Nội. Khi Hà Nội tổ chức những không gian theo phố, theo cụm ẩm thực với những món ăn được chọn lọc và thẩm định chất lượng sẽ là những sản phẩm du lịch có chất lượng cao và chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách.
Ngô Duy
NXB Hà Nội