Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/04/2016 08:37
Khoa học Thăng Long thời phong kiến

 Trong nhiều thế kỷ thời phong kiến, khoa học xã hội và nhân văn là lĩnh vực khoa học phát triển mạnh nhất và luôn được ưu tiên, coi trọng.

 Các triều đại phong kiến, kể từ thời Lý, đều rất trọng Nho học, bên cạnh đó việc tôn thờ đạo Phật coi là quốc giáo, cũng góp phần xây dựng và củng cố ý thức trật tự xã hội. Lĩnh vực khoa học được tập trung phát triển mà ưu tiên nhất là về văn học và y dược. Một số khoa học khác như triết học, sử học, địa lý, luật học… phát triển chừng mực hơn. Chính bởi quá tập trung ưu tiên cho văn chương mà thời đó có rất nhiều danh nhân nổi tiếng về văn chương như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… còn các lĩnh vực khoa học khác, ngay cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác, không có điều kiện phát triển nên đã mất mát đi không ít những nhân tài của đất nước có thể rất thành đạt ở những lĩnh vực khoa học này mà không có điều kiện được xác nhận. Trên thực tế, không phải những người dự thi và đỗ đạt trong các kỳ thi đó là những người chỉ giỏi về văn chương, mà có rất nhiều người giỏi cả về các lĩnh vực khoa học khác như Trạng nguyên Lương Thế Vinh với toán học hay Nhà bác học Lê Quý Đôn am hiểu thông tuệ nhiều lĩnh vực… Cũng có những cuộc thi chọn Tiến sĩ võ, triều đình cũng cho xây võ miếu dựng bia Tiến sĩ võ, cũng được khắc tên trên bia… nhưng về cơ bản thì chế độ đãi ngộ vẫn chưa được quan tâm nhiều. Thêm nữa, dân chúng cũng nghiêng về văn chương hơn, thậm chí chuyện “vinh quy bái tổ” cũng chỉ dành cho các Tiến sĩ thuộc lĩnh vực văn chương. Khoa học xã hội và nhân văn thời phong kiến chịu ảnh hưởng nhiều của triết lý đạo Phật, đặc biệt là ở thời Lý và thời Trần và được coi là quốc giáo. Sau này còn chịu ảnh hưởng của những tư tưởng và giáo huấn Nho giáo, Khổng giáo, Lão giáo. Những thuyết giáo về triết học, tâm lý học, đạo đức học, thẩm mỹ học, luật học… đó trở thành cơ sở của tư duy, nếp sống và phong cách của con người, chi phối mọi quan hệ đối xử trong xã hội.

Bên cạnh những lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì khoa học y dược cũng được chú trọng phát triển bởi nó phục vụ thường xuyên, trực tiếp đến đời sống mọi tầng lớp. Ở thời đó chưa có sự phát triển về trang thiết bị phục vụ ngành y dược tối tân như bây giờ, ngành y dược phát triển dựa trên những bài thuốc, những kinh nghiệm, kiến thức dân gian được ứng dụng, đúc kết, lưu truyền và phát triển. Đôi khi nó chỉ là những kinh nghiệm đời thường, những kết hợp của các loại thảo dược, thực phẩm trong chính bữa ăn hàng ngày để làm thuyên giảm và loại trừ những chứng bệnh thường gặp, như: uống bột củ ấu để giải độc, uống lá vối và nụ vối để giúp tiêu hóa tốt, ăn cháo hành, cháo tía tô cho giải cảm… cao hơn chút thì là những bài ấn huyệt, xoa bóp, cạo gió, xông hơi, chườm… và cả những bài thuốc được gieo vần cho dễ thuộc như khi bị ngất, hôn mê thì “giật tóc gáy, lôi tóc xoáy, bóp sau gáy, châm xương cùng, chuyển cong lưng, thì sẽ tỉnh”. Sự giao lưu của ngành y học Trung Hoa tạo nên hai trường phái y dược ở Việt Nam là thuốc Bắc và thuốc Nam cùng song song phát triển. Đến thời Nhà Lý, việc chữa bệnh cho dân được nhà vua chú ý hơn, triều đình cho lập trường đại học đầu tiên dạy về Nho, Y, Lý, Số. Bên cạnh việc chẩn đoán và chữa bệnh dựa trên y khoa thì thời kì này cách trị bệnh bằng phù trú vẫn thịnh hành, do người dân vẫn còn tin vào cúng bái. Một trong những bậc thầy phù phép chữa bệnh thời bấy giờ đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội nay).

Các lĩnh vực khoa học khác như toán học, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp ít thấy nhắc tới trong các tư liệu sử nhưng trên thực tế thì đó là những kiến thức bắt buộc cần có. Trong nội dung chương trình học tập ở Quốc Tử Giám và nội dung đào tạo, thi cử chọn quan chức ở thời Lý đều quy định về toán học. Hay việc phát triển của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các loại sản phẩm hết sức tinh xảo, các công trình kiến trúc đồ sộ mang tính nghệ thuật cao cũng chứng tỏ việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Còn nữa, những sản vật làm nên nét văn hóa, tiếng thơm của Hà Thành như cốm làng Vòng… cũng là sự đúc kết kinh nghiệm về một quy trình nghiêm ngặt truyền từ đời này sang đời khác để làm nên thương hiệu danh tiếng muôn đời.

Trần Thọ
NXB Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)