Vẻ đẹp người Hà Nội xưa qua các khối tượng tròn
Nếu để bình chọn hình tượng người phụ nữ đẹp nhất của thời đại Đông Sơn thì ắt hẳn vương miện sẽ rơi vào tượng người phụ nữ trên cán chiếc kiếm ngắn tìm được dưới chân núi Nưa (Thanh Hóa). Phần cán kiếm là tượng người đàn bà nguyên khối với khuôn mặt trái xoan (một trong những vẻ đẹp chuẩn mực của người phụ nữ Việt từ thời Đông Sơn). Đôi mắt mở to, toát lên một vẻ thông minh và đôn hậu được thể hiện là hai vòng tròn đồng tâm có châm đồng tử ở chính giữa. Sống mũi nổi, miệng nhỏ thon, xinh xắn. Đặc biệt là đôi tai rất to, có tỷ lệ hơn một nửa chiều dài khuôn mặt. Mỗi bên tai được đeo một chiếc khuyên lớn, nặng chấm vai. Đây cũng là một chuẩn về vẻ đẹp hình thể của người Việt, một vẻ đẹp quyền quý. Một tiêu chí của vẻ đẹp giới tính nữa cũng được thể hiện trên bức tượng là eo bụng thon thả. Vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ núi Nưa lại càng được tôn thêm bằng vẻ đẹp của đồ trang sức và trang phục. Nhìn kỹ bức tượng, ngoài hai chiếc khuyên tai đã nói, ở cả hai cổ tay người phụ nữ còn được đeo mỗi bên hai vòng tay. Trang phục của tượng người phụ nữ núi Nưa cũng cầu kỳ, phản ánh rõ thân phận quý tộc của mình: Trên đầu là một cái mũ có chóp nhọn, tóc được búi ngược lên, lại còn được quấn nổi rõ một dải băng hoa văn hình bông lúa. Quần áo được dệt may công phu, đẹp mắt: áo chẽn, váy trùm kín chân. Hoa văn trang trí trên áo và váy có dạng hình học, với những gạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm. Nét nổi trên bộ trang phục là dải thắt lưng dài được thả xuống đằng trước và đằng sau chạm gót chân. Thắt lưng cũng được thêu thùa nhiều hoa văn hình học.
Người phụ nữ làng Vạc được mô tả cũng không kém phần duyên dáng so với phụ nữ núi Nưa. Tóc được búi cao, có một dải băng thắt ngang trán. Khuôn mặt trái xoan, mắt mở to, lông mày và lông mi dài, mũi và miệng nhỏ. Hình thể của người phụ nữ đẹp đẽ với ngực và mông nở, eo thon. Họ được mặc đẹp, hai đoạn thắt lưng gần chấm gót. Phần quấn ngang bụng của thắt lưng được dệt nhiều hoa văn hình học. Điều đặc biệt là người phụ nữ làng Vạc được đeo khá nhiều đồ trang sức. Ngoài hai chiếc vòng tai rất to, còn được đeo bốn chuỗi hạt cườm. Hai bên tay được đeo một loạt vòng từ cổ tay đến gần khuỷu tay. Có thể nói phụ nữ làng Vạc được đeo đồ trang sức nhiều nhất trong số những tượng phụ nữ của thời Đông Sơn.
Hình tượng người phụ nữ Hà Nội xưa còn được thể hiện ở hình khắc trên trống đồng Cổ Loa và Hoàng Hạ. Đó là hình tượng đôi trai gái đang giã gạo bên ngôi nhà sàn cổ kính. Người phụ nữ tay cầm chày giã, trang phục bằng váy cắm lông chim, đội mũ lông chim. Người Hà Nội xưa bên cạnh những bộ trang phục đẹp còn có trang sức cũng rất tinh tế như khuyên tai từ đồng thau, vòng tay, vòng cổ, vòng chân... làm từ xương răng của các loài thú dữ hay sừng động vật, ngoài chức năng trang sức còn là vật đeo để trừ tà. Ở làng cổ Đình Tràng, thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội các nhà khảo cổ tìm được một đoạn sừng hươu được đẽo gọt tinh tế như một tượng tròn hình đầu người. Tượng rỗng, hai đầu có lỗ. Một bên mặt có khoét hai lỗ tròn tượng trưng cho đôi mắt và một lỗ hình chữ nhật tượng trưng cho cái miệng. Tượng được xẻ rãnh từ miệng đến cằm. Tượng dài 3,7cm. Đây có lẽ là bức tượng người - bùa thiêng đeo cổ thuộc loại duy nhất được tìm thấy ở Hà Nội cũng là duy nhất ở nước ta.
Hình ảnh người Hà Nội xưa còn được thể hiện trên bức tượng đá mô tả một người đàn ông với bộ phận giới tính to quá khổ tìm được ở làng cổ Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Tượng được miêu tả với đôi mắt mở to, có lông mày và mũi khắc họa rõ nét. Tượng được chế tác với đường nét còn thô sơ và có niên đại cách ngày nay khoảng 3500 năm, khi mà vào thời đó, kỹ nghệ đúc đồng còn chưa phổ biến. Tượng người đàn ông Văn Điển rõ ràng là một biểu tượng phồn thực trong quan niệm người Hà Nội xưa.
Ngô Duy
NXB Hà Nội