Ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” vượt qua không gian và thời gian
Kể về khí thế sôi sục của quân và dân Hòa Xá ngày ấy thì có lẽ nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong những người cảm nhận sâu sắc nhất. Ông là người đã cùng sống và đã chứng kiến tận mắt không khí sục sôi lên đường nhập ngũ của thanh niên Hòa Xá năm 1967. Ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời như một sự tất yếu, vượt qua không gian và thời gian, vượt qua mưa bom bão đạn, mang đến sức sống và sức lan tỏa cho thấy giá trị và tinh thần chiến đấu.
Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Phạm Tuyên có chia sẻ: Cho tới hiện nay đã gần 50 năm rồi, nhắc lại những kỷ niệm đầu tiên khi mà tôi viết bài hát này thì tôi cũng rất cảm động vì sức sống của bài hát. Cuối năm 1967 tôi và một số nhạc sĩ đi viết về quê hương Hà Tây. 2, 3 giờ sáng tự nhiên thấy bước chân rầm rập, bộ đội tại làng phải tập sẵn sàng để bao giờ gọi là có lệnh tòng quân thì có ngay, mỗi bạn trẻ vác trên lưng 1 cái ba lô 20kg gạch và tay chống 1 cái gậy. Đó là hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi.
Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời thể hiện khí thế phơi phới, lòng quyết tâm của những người lính quân đội nhân dân đi suốt dải Trường Sơn ra mặt trận, nhanh chóng trở thành tiếng lòng của cả một thế hệ thời bấy giờ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thêm: Khi mà bài hát gọi là được nghệ sĩ Mạnh Hà hát trên đài, nghĩa là mấy tháng sau thôi, phát ở trên Đài tiếng nói Việt Nam… cái gọi là sự hưởng ứng của tuổi trẻ lúc ấy nó lớn lắm. Rất nhiều địa phương kể cả Thái Bình, kể cả Quảng Bình v.v… nơi nào cũng có phong trào gọi là Chiếc Gậy Trường Sơn. Ví dụ ở Quảng Bình họ lấy cái gỗ ở quê hương tặng cho mọi người lên đường nhưng mà cũng gọi là chiếc gậy Trường Sơn…
Nhìn lại quá trình của những chiếc gậy Trường Sơn, có thể đúc kết lại bằng hai từ “kỳ diệu”, đó chính là sức lan toả ý chí của người lính vượt dặm dài Trường Sơn với tấm lòng phơi phới vì miền Nam ruột thịt, vì một nước Việt Nam thống nhất. Làng quê Hoà Xá nay đã nhiều phần thay đổi, duy chỉ có ý chí và sự kiên cường cách mạng của người chiến sĩ Hòa Xá năm xưa là dường như vẫn vậy.
Đàm Ly
NXB Hà Nội