Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/05/2016 02:20
Bánh thánh ở Bình Đà

 Cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác lễ hội Bình Đà có rất nhiều nghi lễ độc đáo và đặc biệt nhất là lễ rước thả bánh thánh xuống giếng Ngọc. Quy trình để làm ra chiếc bánh thánh rất nghiêm ngặt và khắt khe, mang nhiều yếu tố tâm linh, cùng với đó nghi thức thả bánh được xem là nghi lễ thiêng liêng và quan trọng nhất trong lễ hội được lưu truyền từ ngàn đời nay.

Theo như người dân của Bình Đà cho biết hàng nghìn năm nay trọng trách làm bánh thánh phục vụ lễ hội chỉ được giao cho dòng họ Nguyễn Văn đây là dòng họ có chức sắc và được sự tín nhiệm của dân làng. Toàn bộ quy trình, cách thức làm bánh được truyền theo kiểu cha truyền con nối, nhưng chỉ truyền cho trưởng nam trong họ, không được truyền cho con thứ.

Bánh thánh gắn với sự linh thiêng vậy nên trước ngày lễ hội khoảng một tuần, người làm bánh phải trai giới, ăn chay niệm Phật, giữ cho tâm tĩnh. Cùng với đó thì dụng cụ làm bánh thánh như chày cối, xoong nồi, bát, đĩa, rổ giá… hàng năm đều được mua mới, không sử dụng đồ cũ trong quá trình làm bánh.

Nguyên liệu chính để làm bánh không thể thiếu được đó là gạo, loại gạo dùng để làm bánh phải là loại ngon, được thu hoạch từ ruộng do dân làng cấp cho gia đình trưởng họ trồng cấy và cất giữ số gạo đó cẩn thận để đến ngày lễ hội thì lấy số gạo đó để làm bánh thánh. Gạo dùng để làm bánh được đãi sạch và để ráo nước, như thế khi giã bột không bị bắn, không bị bết và vón cục.

Nhân bánh là những vị thuốc bắc biểu trưng cho Thiên và Địa tương ứng với 100 người con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Làm bánh thánh mang yếu tố tâm linh nên tất cả các nguyên vật liệu phục vụ công tác làm bánh cũng đều đặc biệt, trong đó củi để đun nấu bánh cũng không phải là gỗ hay than mà phải là cây tre chết “dóc”. Tức cây tre già chết khô ở trong bụi tre và để kiếm được loại củi này cũng không phải điều dễ dàng gì bởi vì không phải bụi tre nào cũng có cây tre già.

Ngày 5 tháng 3 âm lịch, gia đình được giao trọng trách làm bánh phải đưa số nguyên vật liệu làm bánh ra ngoài đền Nội. Trước khi đi ra đền cả gia đình nhà làm bánh thắp hương khấn cáo tổ tiên dòng họ cầu mong mọi việc suôn sẻ thuận lợi. Tại đền Nội đã sắp xếp một gian riêng, ở đó chỉ có trưởng nam dòng họ Nguyễn Văn cùng con trai trưởng của mình phụ giúp làm bánh thánh. Tất cả các cửa được đóng kín lại và không ai được phép tới gần khu vực làm bánh thánh.

Khi bánh thánh được làm xong người làm bánh ra hiệu, hai ông chủ tế cùng những người trong lễ tế trên tay cầm cờ, quạt, vải đỏ phủ kín đài bánh, đưa bánh vào trong hậu cung. Đài bánh được đậy kín và đến ngày hôm sau ngày chính hội mới làm lễ rước và thả bánh thánh xuống giếng Ngọc.

Ngày chính hội, nghi lễ đặc biệt quan trọng và được mong chờ nhất là thả bánh xuống giếng Ngọc. Truyền thuyết kể về giếng Ngọc, đây là một long mạch thông ra đến Biển Đông. Sau một hồi trống chiêng, bánh thánh được di chuyển từ hậu cung lên kiệu và rước ra giếng Ngọc, bánh thánh được để trong đài đậy kín, kiệu rước bánh có lọng, tàn, quạt hầu hai bên. Trống khẩu đi trước đám rước giữ nhịp và giữ thăng bằng. Nhạc trống chiêng cùng phường bát âm reo vui đưa bánh thánh tới bên giếng Ngọc. Đại diện ban tế lễ có mặt bên mép nước để thực hiện nghi thức thả bánh thánh xuống giếng Ngọc. Hình thù chiếc bánh như thế nào, ngay cả người chủ tế cũng không được phép nhìn mà chỉ cảm nhận qua lớp vải bọc xung quanh bánh thánh. Khi thả bánh thánh xuống giếng Ngọc ông chủ tế phải đọc một câu thần chú với ý nghĩa bánh thánh sẽ chìm xuống và đến được với thủy cung.

Tục thả bánh thánh ở Bình Đà đã được truyền nối từ ngàn đời nay với những nghi thức linh thiêng, trang trọng. Tích thả bánh thánh là để cho các người con ở biển hướng về ngày kỳ phước của đức Quốc tổ Lạc Long Quân theo long mạch ấy từ Biển Đông mà trở về nơi đền Nội Bình Đà, như trở về với cội nguồn tổ tiên.

Khánh Chi

NXB Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)