Những phẩm chất đẹp trong lao động của người Thăng Long - Hà Nội
Sự khéo léo trong lao động sáng tạo là phẩm chất dễ thấy ở con người Thăng Long - Hà Nội. “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” câu ca là một sự khẳng định về phẩm chất lao động. Sự khéo léo không chỉ thể hiện ở những hoạt động cơ bắp đơn thuần, mà còn là sự linh hoạt, thích ứng trước những hoàn cảnh cụ thể, biết sử dụng năng lượng, lao động một cách hợp lý để có thể tạo nên sức bền bỉ dẻo dai trong công việc. Bàn tay khéo léo của người lao động được in đậm trên những sản phẩm lao động hết sức tinh xảo cầu kỳ mang tính kinh tế và tính thẩm mỹ cao. Những nét hoa văn tinh xảo trên các pho tượng cổ, những đường cong tuyệt đẹp trên mái đao, mái đình của kiến trúc xưa, những nét chạm khắc khéo léo trên các sản phẩm mỹ nghệ, trạm bạc, đúc đồng… đã trở thành những giá trị văn hóa tinh thần mang bản sắc riêng của Thăng Long - Hà Nội.
Hay làm là một phẩm chất lao động của người Thăng Long - Hà Nội. Xưa nay, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” đã trở thành một lẽ thường tình. Cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi người phải lao động siêng năng, phải nhọc nhằn, vất vả để kiếm sống. Tuy nhiên “hay làm” còn được ghi nhận như một giá trị đạo đức, một phẩm chất trong lao động. Nó tồn tại như một sự tự nhiên, một hành vi đã trở thành bản năng trong lao động. “Hay làm” không hoàn toàn chỉ vì miếng cơm manh áo, hay làm còn có nghĩa lao động là niềm vui. “Hay làm” là một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa nghề ngày nay.
Trong lao động, người Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng là người tiếp thu nhanh nhạy và không ngừng sáng tạo những kiến thức mới. Lối học truyền nghề trực tiếp của người Thăng Long xưa luôn đòi hỏi người học phải không chỉ nghiêm túc mà còn phải nhanh nhạy. Người thợ cả làm trước, người thợ phụ làm theo và trong quá trình làm theo đó họ vừa thực hành vừa sáng tạo. Học nghề thời xưa có nghĩa là “trăm hay không bằng tay quen’, người học phải là người làm thực tế. Đây chính là cơ hội để nâng cao sự “nhanh mắt”. Đối với người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo đã trở thành một thói quen, một kỹ năng lao động. Nó được biểu hiện qua sự phát triển của các ngành nghề khác nhau, ở các vùng khác nhau tùy theo hoàn cảnh địa lý và môi trường thiên nhiên. Sự lao động cần cù, dũng cảm và khéo tay đã làm cơ sở cho những tìm tòi sáng tạo trong lao động. các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội đã đúc kết các kinh nghiệm sản xuất truyền từ đời này sang đời khác. Công cụ sản xuất dần được cải biến, sản phẩm lao động cũng đa dạng và phong phú hơn.
Người Thăng Long - Hà Nội đã tập trung được đầy đủ tính dẻo dai, bền bỉ trong lao động, chiến đấu của người Việt. Biểu hiện đầu tiên trong ý chí dẻo dai của người Thăng Long - Hà Nội là sự chịu đựng. Từ khi sinh ra, rồi lớn lên biết cầm cái cày, cái cuốc, gắn mình vào quá trình lao động, người Thăng Long đã bắt đầu cảm nhận được một cách đầy đủ về sự chịu đựng. Nếu những khó khăn trong cuộc sống buộc người ta phải nhẫn nại lâu dài, thì cũng chính quá trình chịu đựng đã thúc đẩy người Thăng Long - Hà Nội sắp xếp hoạt động của mình một cách có chủ đích, có tìm tòi sáng tạo để vươn lên chế ngự cuộc sống. Khi chưa có những điều kiện thuận lợi để thay đổi, thì hàng ngày người ta vừa chịu đựng, vừa học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. Khi thời cơ đã đến, người ta tận dụng hết sức mình để làm cho bằng được. Dù khó khăn đến đâu, dù công việc phức tạp gian khổ đến nhường nào người Thăng Long không bao giờ bỏ cuộc. Chính cái lòng quyết tâm vượt khó đó đã làm người ta quên đi ngay chính bản thân mình, tận tụy hy sinh vì công việc. Chính những tấm gương hy sinh xả thân vì đại nghĩa đó đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Trần Duy
NXB Hà Nội