Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/05/2016 02:29
Thăng Long - Kinh đô của lao động sáng tạo

 Thăng Long - Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước mà còn là kinh đô của những hoạt động lao động sáng tạo. Chính điều này đã là cơ sở để hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Thăng Long - Hà Nội trong lao động, sáng tạo.

 Đối với người Thăng Long - Hà Nội, lao động sản xuất luôn là trung tâm của đời sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Người Thăng Long - Hà Nội đã tự khẳng định sự tồn tại của mình đối với thiên nhiên bằng sự lao động cần cù và sáng tạo. Ngay từ đời nhà Lý, khi mới chuyển kinh đô về Thăng Long thì bên cạnh việc ngăn chặn giặc ngoại xâm, người dân Thăng Long còn phải lo ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ kinh thành. Vào những năm 1106-1108, người Thăng Long - Hà Nội đã phải tập trung lớn cho việc ngăn lũ từ sông Hồng. Công trình đắp đê Cơ Xá, kéo dài suốt từ Nhật Tân, Nghi Tàm cho tới Vĩnh Tuy, rồi đê sông Đuống, đê sông Cà Lồ, được tiến hành trong những năm này đã nói lên công sức to lớn của cư dân và tuổi trẻ Kinh thành Thăng Long. Hình ảnh những trai tài gái đảm của Thăng Long thủa khai đất mở làng ban đầu, nay vẫn còn in dấu trong truyền thuyết dân gian, trên bia đá và trong các đình đền được thờ phụng. Người dân các làng hoa, làng lúa Ngọc Hà, Cống Vị, Thủ Lệ, Kim Mã, Nhật Tân… trước đây, đến nay vẫn còn ghi nhớ truyền thuyết về những chàng trai cô gái đầu tiên từ làng Lệ Mật bên kia sông Hồng sang khai phá đất đai, mở ấp, lập làng, tạo nên một vẻ thanh lịch tự nhiên nhất của vùng Thăng Long xưa.

Trước khi vùng này trở thành kinh đô Thăng Long, người dân đã nổi tiếng với những nghề sản xuất nông nghiệp. Nghề nông ở đất kinh kỳ thì không chỉ có cây lúa, hạt gạo mà còn cả rau quả, các loại sản phẩm nông nghiệp được chế biến và hoa tươi cung cấp cho cuộc sống đô thành. Tất cả được tạo thành những làng xã, phường hội mà sự nổi tiếng riêng luôn gắn liền với những sản vật được làm ra từ bàn tay con người. Ở Thăng Long, để phục vụ cho một cuộc sống sầm uất của một kinh đô, bên cạnh những hoạt động lao động nông nghiệp thì hàng loạt các làng nghề, phường nghề cũng xuất hiện, tồn tại và phát triển không ngừng. Giấy mực phục vụ cho các hoạt động hành chính, quản lý, dệt may phục vụ cho vua quan và cư dân đô thành, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, dịch vụ, phục vụ cho cuộc sống, đi lại ăn ở, sinh hoạt văn hóa… Tất cả xoay quanh nhịp sống hàng ngày của kinh thành. Thăng Long thành Thăng Long bách nghệ.

Ngát thơm hoa sói hoa nhài,

Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ.

Như vậy, thành Thăng Long ngay từ thời Lý đã hết sức nhộn nhịp. Nhờ có lao động của người dân kinh đô cũng như đóng góp của cư dân bốn phương mà rất nhiều sản phẩm lao động khi đó, đến giờ vẫn còn làm ngạc nhiên giới nghiên cứu khoa học. Lê Quý Đôn cũng chép rằng: “Thái Tông nhà Lý chế xe thái bình, dùng loại kim trang sức bành voi và dùng voi kéo xe, Nhân Tông chế dây bạc để dẫn đường cho lỗ bộ…”

Không khí lao động thời nào cũng vậy, đều là không khí sôi động nhất trong cuộc sống con người. Bầu không khí lao động của Thăng Long - Hà Nội xưa như một guồng máy không ngừng nghỉ, miệt mài cần mẫn, nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp và vui tươi, được thể hiện qua các câu ca dao sau:

Nhật Tân đào nở tưng bừng

Làng Quảng bánh mật, bánh chưng dãi đầy

Tây Hồ xách bị cả ngày

Nghi Tàm chặt rễ được ngay quan tiền

Yên Phụ buôn trám dưới thuyền

Xuống đà phố Mới bán than quạt lò

Làng Võng bán lợn bán gà

Làng Thụy nấu rượu la cà cả đêm

Làng Hồ làm giấy thực nền

Chợ Bưởi lại có cô Tiên bán hàng

Làng Sài dệt lĩnh quay tơ

Làng Sở chỉ có xuống hồ quanh năm

Với tính chất là kinh đô của những hoạt động lao động sáng tạo, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi tạo ra nguồn của cải vật chất to lớn, những sản phẩm vừa có chất lượng cao vừa hoàn mỹ đã hun đúc nên những khuôn mẫu người lao động có phẩm chất tốt đẹp, tạo ra những giá trị, những chuẩn mực đạo đức và văn hóa về lao động truyền từ đời này sang đời khác.

Trần Duy

NXB Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)