Chùa Vua - Di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội
Chùa Vua ở địa chỉ số 33 Thịnh Yên, phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Vua là tên gọi quen thuộc của nhân dân Hà Nội về cụm di tích gồm: chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện thờ Đế Thích. Đây là một trong những di tích có giá trị gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
Chùa Vua được xây dựng từ thời nhà Lý, trải qua một thời gian tồn tại lâu dài, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên nhiên, chiến tranh tàn phá, song di tích vẫn giữ được những nét cổ kính của kiến trúc xưa.
Chùa Vua không chỉ là một di tích tôn giáo có giá trị về lịch sử văn hóa, thể thao độc đáo ở thủ đô Hà Nội mà chùa còn là cơ sở hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ năm 1926 đến năm 1930. Chùa cũng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu, vũ khí, luyện tập quân sự của Việt Minh thời kỳ trước cách mạng tháng Tám; Cách mạng tháng Tám thành công, chùa Vua là trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời tiểu khu 7. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến năm 1946, chùa trở thành nơi đóng quân, kho chứa lương thực, vũ khí đạn dược của mặt trận Hà Nội.
Nói đến di tích cách mạng - kháng chiến không thể không kể đến công lao đóng góp của nhà sự trụ trì chùa. Nhà sư trụ trì chùa khi ấy là cụ Hoàng Đình Điều, tức thiền sư Thích Thanh Điều. Cụ là võ tướng của nghĩa quân Đề Thám, sẵn có tinh thần yêu nước vì vậy cụ đã hết lòng nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ an toàn cho các cán bộ cách mạng hoạt động tại chùa. Không những thế cụ còn quyên góp nhiều tiền bạc, thuốc men ủng hộ kháng chiến. Với những thành tích đóng góp cho cách mạng, ngày 4 tháng 10 năm 2001 cụ Hoàng Đình Điều đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng “Bằng có công với nước”.
Bên cạnh những giá trị độc đáo về lịch sử văn hóa, chùa Vua còn là một minh chứng hào hùng về cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của người dân Hà Nội. Chùa Vua đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng và được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho phép gắn biển di tích cách mạng.
Trần Duy
NXB Hà Nội