Di tích trại giam Nhà Tiền
Ngay từ những ngày đầu thiết lập trại giam, giặc Pháp đã đưa về đây khá đủ các phần tử chống đối, như bộ đội chủ lực, những đồng chí hoạt động trong Uỷ ban kháng chiến của các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Trung đoàn 46 Liên khu III; các đại đoàn 320, 316; những trí thức yêu nước, anh em tự vệ… Thời kỳ những năm 1947 – 1954, trại giam Nhà Tiền có số tù binh vào loại lớn nhất Đông Dương. Các tù binh bị giam trong khu nhà vòm 8 mái có diện tích 818m2. Sau đó vì số cán bộ, đảng viên, quần chúng kháng chiến bị bắt ngày càng nhiều nên chúng phải xây thêm một số nhà cấp 4 ở xung quanh để làm nơi nhốt tù nhân.
Với điều kiện tù đầy gian khổ, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trung giữ tấm lòng son sắt đối với Đảng và Bác Hồ. Họ biến nhà tù thành trường học cách mạng để rèn luyện ý chí, tìm mọi cách vượt ngục để trở về hàng ngũ tiếp tục chiến đấu. Từ một chi bộ Đảng ban đầu có 10 đảng viên, qua các phong trào đấu tranh đã phát triển lên 300 – 400 đảng viên. Từ một chi bộ phát triển thành 10 chi bộ. Đến năm 1956, khi khởi công xây dựng Nhà máy in Tiến Bộ, anh chị em công nhân đã tìm được 280 bộ hài cốt của tù nhân bị giặc Pháp giết hại và vùi xác ngay xuống trại giam Nhà Tiền, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.
Sau khi được đưa vào sử dụng làm nơi sản xuất, Nhà máy In Tiến Bộ nay là Công ty In Tiến Bộ đã nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn trở thành con chim đầu đàn của ngành in Việt Nam. Chính nơi đây đã in ra số báo Nhân dân (cơ quan ngôn luận của Đảng) đầu tiên vào ngày 9 và ngày 10/10/1954 và được phát hành trên toàn quốc. Trong đội ngũ công nhân ưu tú của Nhà in Tiến Bộ, có nhiều đồng chí đã từng là cựu tù nhân của trại giam Nhà Tiền.
Với 60 năm phát triển và trưởng thành, Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công ty luôn chú trọng đến việc giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho mọi thế hệ cán bộ, công nhân viên công ty. Hàng năm Ban liên lạc tù chính trị Nhà Tiền lấy ngày 20/3 làm ngày “Hội truyền thống” của hơn 400 tù chính trị. Trong những dịp như vậy, các đồng chí cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh, tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc và động viên nhau phát huy truyền thống cách mạng để thế hệ trẻ noi theo. Ngày 20/30/2002, Uỷ ban Nhân dân Thành phố đã ra quyết định xếp hạng trại giam Nhà Tiền là “Di tích cách mạng kháng chiến”, bao gồm các hạng mục kiến trúc: Khu nhà vòm 8 mái; hai lô cốt cũ và khu đài tưởng niệm mới với tổng diện tích là 1460,5m2.
Thúy Hạnh
NXB Hà Nội