Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 13/05/2016 02:56
Nghệ thuật kiến trúc chùa ở Hà Nội

 Chùa ở Hà Nội dù to dù nhỏ đều thu mình ẩn vào cây cỏ. Với chùa, cây cỏ thường biểu hiện cho đất lành, nó giúp cho kiến trúc của ngôi chùa thoát nét khô cứng, tạo thành một không gian khác với trần tục để tâm hồn người hành hương dễ gần với lẽ đạo, dễ hòa với đất trời, mà tìm đến với đất Phật, thoát khỏi tư tưởng trần tục…

 Hà Nội lắm hồ, nhiều chùa ở ven hồ, gần sông, thường được xây dựng trên nền đất cao đối với dòng hoặc hồ nước thấp. Đó là sự phối hợp âm dương để biểu hiện nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Những cây thiêng trong chùa thường là cây đề (với ý nghĩa giác ngộ); tre trúc (lòng rỗng, biểu hiện lẽ không và tùy duyên mà hóa độ); mít (với ý dẫn tới bờ giác); sung được coi là cây vô ưu, diệt trừ phiền não; thông (tượng trưng cho sự thông hiểu cao độ, dẫn tới giải thoát); đại, sứ (là cây thiên mệnh, hút và chứa sức sống từ tầng trên chuyển xuống cho muôn loài). Đôi khi còn có cây gạo (như một đường thông linh thường có ở ngôi chùa đặc biệt gắn với thần thánh) và nhiều cây um tùm khác nữa.

Ngôi chùa ở Hà Nội đã phát triển theo đặc điểm chung như vậy, tuy nhiên, nó vẫn có một số nét riêng. Đứng về mặt nghệ thuật kiến trúc, có thể mở đầu từ chùa Một Cột. Chùa được dựng trên một trụ đá giữa lòng hồ Linh Chiểu, trên cột là hình bông sen nghìn cánh, trên bông sen là tòa nhà đỏ thẫm, trong nhà có tượng Phật mình vàng… Ý nghĩa mênh mông của chùa Một Cột vẫn còn đó, ẩn chưa trong đó một biểu tượng về tâm hồn quê hương. Tòa nhà đỏ thẫm như tượng cho nguồn sinh lực vũ trụ vô biên. Bông sen nghìn cánh là hình tượng của trí tuệ viên mãn. Cột đá được coi như vật chuyển tải sinh lực của các đấng thiêng liêng xuống cho đất và nước, suy cho cùng đó là ước vọng cầu sinh sôi, no đủ…

Một ngôi chùa khác còn nhiều vết thời Lý - chùa Bà Tấm - ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Đây là một đại danh lam, nằm trên mảnh đất cao (dài khoảng 100m, rộng hơn 50m). Nơi đây hiện còn tìm được hai trụ đá tròn (dài gần 130cm và gần 80cm) mà người ta dễ ngờ đó là một phần của chiếc Linga hoàng gia. Hai đầu lân đá khá lớn (cao gần 120cm, rộng gần 125cm), có lẽ phần còn lại của đôi lân, bên cửa thờ, để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Lân có những chi tiết đạt cả chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật và ý nghĩa linh thiêng đầy tính biểu tượng. Một phiến đá bó bậc (thành bậc) hình tam giác ở trên chạm lân (toàn thân), mặt bên chạm phượng ngậm lá đề, chim đứng trên đài sen với nền chạm hoa dây. Đây là một giải pháp rất khéo về tạo hình mang đậm ý nghĩa của đất Phật. Đây là ngôi chùa được dựng bằng gỗ vào loại cổ nhất trong điều kiện ở nước ta.

Một dạng chùa nữa cũng có từ thời Lý, đó là chùa Láng (nằm trên phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Đây là ngôi chùa có kiến trúc dạng “đền thờ”. Ngoài thờ Phật với nhiều tượng quý, thì việc thờ thánh Từ Đạo Hạnh dưới tư cách một ông tổ “đạo sĩ”.

Nhìn chung, trên đất Hà Nội hiện nay, các kiến trúc chùa cổ không còn nhiều. Dù vậy, cái thần của ngôi chùa và không gian của nó vẫn duy trì được nét cơ bản, vẫn là nơi làm cân bằng tâm hồn kẻ hành hương. Nổi bật trong chùa là nghệ thuật tạo tượng Phật và Bồ tát. Những pho tượng gỗ xuất hiện sớm nhất hiện còn ở nước ta, đó là Hai bộ Tam Thế phật với khuôn mặt hồn nhiên đôn hậu (ở chùa Nành và chùa Lệ Mật) chắc chắn sẽ có vị trí xứng đáng trong lịch sử tạo hình ở nước ta. Đó là những tượng vừa đẹp vừa ý nghĩa, như một mở đầu cho loại hình tượng Tam Thế, đánh dấu một bước phát triển của nghệ thuật Phật giáo, đồng thời là những chuẩn của tạo hình với sự kế thừa gần gũi của phong cách thế kỷ XI-XII, đồng thời tạo một hướng mới cho nghệ thuật tượng thời sau. Vào thế kỷ XVII, ở Hà Nội đã đánh dấu một sự được mùa của nghệ thuật tạo hình Phật giáo, đó là pho tượng Quan Âm Thiên Thủ ở chùa Phúc Nương, pho Quan Âm tọa sơn ở Đa Tốn, đặc biệt là pho Quan Âm Nam Hải nhiều mặt ở chùa làng Kiêu Kỵ… đều ở huyện Gia Lâm. Rồi các tượng ở chùa Ngót, chùa Tự Khoát… huyện Thanh Trì, các tượng Phật và Quan Âm tại nhiều chùa ven hồ Tây, Quảng Bá, Trích Sài, tượng hậu chùa Lý Quốc Sư…

Những ngôi chùa Hà Nội là sản phẩm văn hóa nổi bật theo bước khuyến thiện, đầy lẽ nhân bản, bao dung… Cho nên, trong chừng mực nào đó, ngôi chùa Hà Nội là nơi giáo dục lòng yêu quê hương xứ sở, tình người, mang đậm nét về bản sắc văn hóa dân tộc.

Trần Duy

NXB Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)