Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội
Sau năm 1954, Bác Hồ và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Phủ Toàn quyền được đổi thành Phủ Chủ tịch. Khu Di tích Phủ Chủ tịch có tổng diện tích là 22.400m2, gồm 3 khu vực:
Khu A: Gồm nhiều di tích quan trọng:
- Ngô nhà Bác sống và làm việc từ cuối năm 1954
- Ngôi nhà sàn bằng gỗ
- Ngôi nhà họp Bộ Chính trị
- Căn hầm phòng không
- Toàn bộ khu vườn cây, ao cá…
Khu B và khu C: Gồm nhà khách Phủ Chủ tịch và vườn cây.
Khu Di tích Phủ Chủ tịch là sự kết hợp của kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân dụng cổ truyền. Các di tích như Phủ Chủ tịch, nhà sàn được hoà quyện vào không gian thiên nhiên tạo nên một tổng thể kiến trúc đậm nét dân tộc và hiện đại.
Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) được xây dựng từ năm 1900 – 1906 do kiến trúc sư người Đức thiết kế theo kiểu kiến trúc Roman - một trường phái kiến trúc cổ phương Tây thịnh hành vào thế kỷ XVIII – XIX.
Ngôi nhà cao 4 tầng, diện tích sử dụng là 1.300m2, gồm 40 phòng lớn nhỏ với những vòm cửa cuốn tròn và các đầu cột nở xoè chùm hoa lá.
Trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch còn có ngôi nhà sàn, ao cá và Lăng Bác Hồ, là những địa chỉ thân quen đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhà sàn được xây dựng năm 1958, đây là nơi ở và làm việc của Bác Hồ gồm có hai tầng: tầng trên là nơi ở và phòng làm việc của Bác, tầng dưới là phòng để tiếp khách hoặc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Tong nhà sàn có những hiện vật đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động của Bác: một chiếc máy điện thoại màu xanh để Bác làm việc với Cục Tác chiến và Binh Chủng Phòng không – Không quân; một chiếc máy chữ nhỏ là phương tiện để Bác tự tay đánh máy, một chiếc mũ Bác thường đội đi thăm đồng bào và chiến sĩ.
Khu Di tích Phủ Chủ tịch là di tích đặc biệt quan trọng được cấu thành bởi nhiều di tích tạo nên một quần thể không gian rộng lớn. Đặc biệt tất cả các công trình kiến trúc phụ cận như sân, vườn, tượng đài, ao, hồ… cũng như cách bài trí tài liệu hiện vật trong từng điểm di tích đều được giữ nguyên vẹn như lúc Người còn sống.
Và nơi đây không chỉ là nơi ở và làm việc của Bác Hồ mà còn là trụ sở làm việc của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ có ý nghĩa quyết định tới vận mệnh lịch sử của dân tộc: miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vì thế, Khu Di tích Phủ Chủ tịch không chỉ có giá trị lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có giá trị lớn lao về mặt lịch sử, không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà mang tầm cỡ quốc tế.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, khu Phủ Chủ tịch trở thành khu di tích lịch sử. Nhiều khách du lịch tại Việt Nam và khắp thế giới đến thăm khu di tích này.
Khi Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1977, khu này nằm dưới sự quản lý của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày 6 tháng 11 năm 1992, Khu Di tích Phủ Chủ tịch được tách ra khỏi Bảo tàng Hồ Chí Minh và trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin.
Phượng Nguyễn
NXB Hà Nội