Trường Trưng Vương – một trong những trận địa chống Pháp oanh liệt năm 1946
Trường Trưng Vương được thành lập năm 1917, lúc đầu ở phố Hàng Cót (trường Thanh Quan ngày nay), sau đó chuyển về Lò Đúc (trường Lê Ngọc Hân ngày nay), năm 1921 chuyển về 26 Hàng Bài, mở hệ phổ thông, dành riêng cho học sinh nữ nên có tên gọi là “Trường nữ trung học An Nam” hoặc “Trường Đồng Khánh”.
Năm 1943, Mỹ ném bom Hà Nội, trường sơ tán về Hưng Yên, đến năm 1945 vẫn chưa trở lại. Sau Cách mạng tháng Tám, khu trường rộng rãi này được chọn làm trụ sở Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Sau năm 1945, trường đổi tên là “Trường nữ học Trưng Vương”. Đến năm 1956 mới trở về địa điểm 26 Hàng Bài và từ năm 1960 trường bắt đầu có học sinh nam.
Trường Trưng Vương có 2 mặt phố: phố Hàng bài (mặt chính) và phố Lý Thường Kiệt. Mặt phố Hàng bài mở 2 cổng: một chính và một phụ. Bên trong có 4 dãy nhà 3 tầng được xây làm lớp học và các phòng giáo viên. Ngôi trường vẫn được bảo quản tốt cùng với tấm bia lưu niệm mới được gắn với nội dung: “Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, nơi đây là trụ sở Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.
Tại đây, ngày 21 tháng 12 năm 1946, các chiến sĩ trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 77 cùng hai tiểu đội tự vệ khu đại học đã kiên cường chiến đấu chống lại các cuộc tiến công rất ác liệt của quân đội Pháp, góp phần vào chiến công chung của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Mặc dù hiện vật về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây không còn nhưng những trang sử và chính mảnh đất với ngôi trường anh hùng này là cơ sở tốt để thày trò trường Trưng Vương luôn ôn lại truyền thống, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh.
Ngày 21/12/1946, 8 giờ sáng, xe tăng địch mở đường cho bộ binh theo đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, tiến công vào phía nam, trụ sở Bộ Quốc phòng ta (26 Hàng Bài). Trung liên ta bắn chặn, diệt nhiều tên địch khiến một số phải tháo chạy, một số nấp vào các bờ tường bắn trả. Ở mặt đường Hàng Bài, xe tăng địch áp sát bờ rào, dùng trung liên bắn vào cửa sổ khu nhà chính, hỗ trợ cho bộ binh xung phong. Ta chờ địch đến gần dùng lựu đạn và súng trường tiêu diệt nhiều tên địch, buộc chúng phải rút lui.
Sau 3 tiếng đồng hồ chiến đấu căng thẳng, 11 giờ trưa mặc dù địch chiếm được ngôi nhà 3 tầng nhưng chúng không thể tiến thêm được trước tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân ta. Vì thế, chúng phải rút lui và cho máy bay đến ném 4 quả bom, phá sập dãy nhà ngang và một góc phía bắc dãy nhà chính, làm các chiến sĩ tổ trung liên hy sinh và hơn 10 chiến sĩ bị thương nặng.
Trận chiến đấu giữa ta và địch lúc đó rất căng thẳng và tổn thất không ít, đến 17 giờ 30, địch rút quân, kéo theo sau một xe chở xác chết và lính bị thương. Về phía ta, 24 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 11 đồng chí bị thương. 21 đồng chí hy sinh được chôn trong mộ tập thể ở gần nhà bậc tiểu học, 3 đồng chí trong tổ trung liên không lấy được xác vì bị vùi lấp trong đống gạch. Anh em thương binh được chuyển ra kịp thời để chữa chạy. Còn về phía địch, 60 tên đã phải đền mạng, một xe vận tải bị cháy. Cuộc đánh chiếm Bộ Quốc phòng nước ta đã trở thành một bài học đắt giá với giặc Pháp xâm lược.
Huyền Thanh
NXB Hà Nội