Giáo phường - Một tổ chức ca nhạc dân gian Hà Nội
Giáo phường từ chỗ sinh hoạt tự phát tới khi có tổ chức chặt chẽ đã giúp cho ca múa nhạc dân gian Thăng Long có được những bước tiến vượt bậc và xuất hiện nhiều nhệ nhân ưu tú.
Các phường chia ra từng họ, mỗi họ cử một người kỳ cựu làm trùm họ. Các trùm họ bầu người có khả năng, uy tín nhất làm quản giáo phụ trách điều khiển chung cả phường. Học trò đi hát xa về thường góp một phần tiền công với phường để cung dưỡng thầy.
Đào kép rất tôn trọng tổ sư giáo phường, cư xử với nhau có thủy có chung, rất tôn sư trọng đạo. Họ là những người tự nguyện học nghề, tuy có tính chuyên nghiệp nhưng hoạt động lại nghiệp dư. Hàng ngày vẫn đi làm đồng áng, chawmn tằm, dệt lụa, chạy chợ buôn bán… nhưng đến tối đều tới nhà ông trùm để học đàn phách múa hát. Xưa học nghề hát rất công phu. Lúc mới học phải ăn uống kiêng khem để giữ giọng. Tới khi qua lễ mở xiêm áo, tham gia buổi hát đầu tiên, học viên mới được bước vào nghề chính thức và được công nhận là thành phần của phường thì phải sau ít nhất năm sáu năm theo học nghề.
Việc tổ chức đi hành nghề cũng đều phải có khuôn phép. Luật lệ giáo phường quy định khắt khe khi đi hát đám, hát cửa đình, chồng đàn thì vợ hát, anh đàn em hát, em đàn chị hát, bố đàn con hát, để cấm mọi hình thức đi đàn hát thuê tại các nơi xa lạ, giảm giá trị giáo phường. Việc phân công các họ đi hát đám tại các địa phương đã trở thành quy tắc nghiêm ngặt có sắp xếp hợp lý, đào kép không được tranh giành nhau địa bàn hoạt động. Nhờ vậy vốn ca múa nhạc dân gian mới có thể lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Trần Duy tổng hợp