Lễ thức và phong tục của Hà Nội
Hầu như ở khắp nơi trên địa bàn cư trú của người Thăng Long - Hà Nộ đều thấy có những tàn tích hoặc biến tướng của các lễ tục nguyên thủy - bao gồm tín ngưỡng và nghi thức thực hành tín ngưỡng cùng các lề thói, tập tục, kỵ hèm, mà chủ yếu là nghi lễ nông nghiệp và tín ngưỡng phồn thực. Trong đó có các tục thờ nước, thờ đá, thờ cây, thờ mặt trời… nhằm cầu mưa, cầu nước, cầu cho mùa màng tốt tươi và sự sống sinh sôi. Ngoài các hình thức tín ngưỡng tự nhiên theo quan niệm vạn vật hữu linh, thì hình thức phổ biến hơn cả là tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ các anh hùng khai sáng, anh hùng văn hóa và đặc biệt nổi bật là thờ các anh hùng chống giặc ngoại xâm kết hợp với tục thờ thành hoàng.
Lễ thức - phong tục Thăng Long là một bộ phận của nền văn hóa Thăng Long, một nền văn hóa có cội nguồn từ nền văn minh sông Hồng và nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đó là nền văn hóa bản địa phương nam, nền văn hóa nông nghiệp lúa nước thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á.
Lễ thức - phong tục của Thăng Long - Hà Nội đã phản ánh bản sắc văn hóa Việt. Trải qua hơn một ngàn năm đô hộ, bọn phong kiến Trung Hoa đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt và đồng hóa văn hóa Việt, nhưng trái lại văn hóa Việt lại lại thâu hóa những yếu tố thích hợp trong văn hóa Hán để làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc. Chẳng hạn như tết Hàn Thực, mồng 3 tháng 3 âm lịch. Ở Trung Hoa tết này vốn bắt nguồn từ tục kiêng lửa nhưng ở Việt Nam dân gian chỉ gọi tết này với cái tên nôm na quen thuộc là tết bánh trôi bánh chay và chẳng hề kiêng lửa. Những ví dụ tương tự còn có thể kể ra rất nhiều.
Một điều nữa không thể không nói đến khi xem xét lễ thức và phong tục Thăng Long, đó là mối quan hệ giữa lễ thức - phong tục dân gian với lễ thức - phong tục cung đình chính thống. Thăng Long vốn là đất đê đô của các triều phong kiến, vì vậy không tránh khỏi có những ảnh hưởng qua lại giữa lế tục cung đình với lễ tục dân gian. Trong tiến trình lịch sử, có những lễ tục vốn của cung đình, nhưng được nhân dân hưởng ứng, nên dần dần đã bị dân gian hóa hoặc mang đậm màu sắc dân gian, hoặc cũng biến thành tục của dân gian. Chẳng hạn tục ăn thề ở đền Đồng Cổ và tục thả chim trong ngày lễ tắm Phật… chính là những ví dụ này.
Các phong tục dân gian cổ truyền như bơi chải, đấu vật, chọi trâu, chọi gà, đá cầu, đánh phết, ném còn… trong các hội hè ở thôn quê, đã được cung đình tiếp thu và biến thành các lễ tục của mình. Các vua chúa thời Lý - Trần đều thích đá cầu, đánh phết, thường tổ chức ngay tại sân rồng. Tục chọi trâu, chọi gà ở nơi thôn dã đã trở thành những trò vui thượng vốc sức hấp dẫn đối với các vua chúa, quan lại. Tục bơi chải đã được các triều đại Lý - Trần đặc biệt ưa thích và việc đua thuyền được triều đại đứng ra tổ chức thường xuyên vào mùa thu, tháng tám hàng năm. Ngoài những phong tục vui chơi tiếp thu từ dân gian, một số lễ thức - phong tục của triều đình đã đạt tới tính quy phạm và đi vào điển chế của nhà nước phong kiến như lễ tế thần Xã Tắc, lễ tế Giao, lễ Nghênh xuân và lễ Khuyến nông… hàng năm. Nét độc đáo riêng của lễ tục Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật phải chăng do phong cách thể hiện của chính người Hà Nội không giống bất cứ địa phương nào. Chẳng hạn, cũng là tục gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán, nhưng bánh chưng Hà Nội bao giờ cũng ngon hơn và đẹp hơn. Cũng là tục làm bánh nướng bánh dẻo tết Trung thu hay làm bánh trôi, bánh chay Tết Mồng ba tháng ba, nhưng về hương vị thì thật không đâu sánh bằng Hà Nội. “Người sao tục vậy” - Con người tạo ra phong tục. Nếu con người Thăng Long – Hà Nội đã được lịch sử ngàn đời phú cho những phẩm chất thanh lịch, tế nhị, sành ăn khéo mặc, “khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”… thì lễ tục ở Hà Nội cũng phản ánh trung thực những đặc điểm ấy.
Ngô Duy tổng hợp