Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian trong lễ hội ở Hà Nội
Theo sử cũ cho biết thì ở Thăng Long thời Lý, ca nhạc nhảy múa là những sinh hoạt văn hóa quan trọng không thể thiếu được trong những ngày hội lớn ở kinh thành. Vào năm 1035, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu tuyển lựa trong dân gian hơn một trăm ca nữ, nhạc công để thành lập ban nữ nhạc phục vụ cung đình. Nhiều đời vua liên tiếp đã duy trì ban nữ nhạc này và đời nào cũng sáng tạo thêm những khúc nhạc, lời ca, điệu múa mới rút từ trong vốn văn nghệ dân gian cổ truyền. Trên những phù điêu chạm khắc trong các ngôi chùa xây dựng ở thời Lý còn lại đến nay, như ở bệ đá chùa Phật tích chẳng hạn, còn thấy rõ cảnh vũ nữ múa dâng hoa, cảnh nhạc công đánh trống cơm, gảy đàn nguyệt, thỏi sáo, kèn nhị… Điều đặc biệt nổi rõ ở thời này là ca múa nhạc dân gian và ca múa nhạc cung đình thường hòa quyện với nhau ở sân khấu ngoài trời, cùng với nhiều trò vui, trò diễn, tạo thành một tổng thể sinh hoạt văn hóa hoành tráng.
Sang thời Trần, ca múa nhạc dân gian Thăng Long vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Căn cứ vào sách An Nam chí lược cho biết, thì ở Thăng Long thời Trần đã chia ra “đại nhạc” và “tiểu nhạc” tức nhạc cung đình và nhạc dân gian. Nhạc cụ dùng trong “đại nhạc” gồm trống cơm, tiêu, sáo, não bạt, mõ lớn. “Đại nhạc” chỉ dùng riêng cho quốc vương, còn tong thất, quan liêu nếu không phải là việc tế lễ thì không được dùng loại nhạc này. Nhạc cụ dùng trong “tiểu nhạc” gồm đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bảy dây, đàn hai dây, sáo và tiêu các loại. Đây là loại nhạc dùng rộng rãi cho mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên ca múa nhạc cung đình chủ yếu vẫn dựa vào ca múa nhạc dân gian, chưa có sự phân hóa rõ rệt và cũng chưa có quy phạm chặt chẽ.
Từ thời Lê, nhất là từ thời Lê Hồng Đức (1470) trở đi, mới bắt đầu có sự phân chia rõ rệt giữa nhạc cung đình và nhạc dân gian. Tuy nhiên ca múa nhạc cung đình chỉ là thứ văn nghệ dùng trong nghi lễ, còn khi cần thưởng thức, vui chơi, giải trí, thì ngay trong chốn thâm cung cũng không thể thiếu ca múa nhạc dân gian. Những sinh hoạt văn hóa dân gian của Thăng Long tích tụ từ ngàn đời, còn để lại cho người dân Hà Nội ngày nay cả một kho tàng ca múa nhạc dân gian thật phong phú, đa dạng.
Vào những dịp hội xuân, hội thu hàng năm, lời ca tiếng nhạc rộn ràng cùng với bao điệu múa, trò vui náo nức, là những niềm vui lớn của người Thăng Long - Hà Nội hướng về những anh hùng dân tộc có công với nước với dân, với đất Thăng Long văn vật. Là một trung tâm văn hóa trường tồn của đất nước, lời ca điệu múa Thăng Long vừa có cái hay cái đẹp thuần nhị của tinh hoa bốn phương vừa thấm đượm cái đẹp uyển chuyển, thanh nhã, hào hùng, duyên dáng, cái bản sắc riêng của chốn kinh kỳ hoa lệ.
Hát múa Ải Lao, múa bồng Triều Khúc, ca trù Lỗ Khê, múa rồng Thanh Trì, đàn bầu, đàn đáy, đàn tỳ bà, trống cơm… đều là những tinh hoa, những vốn quý tiêu biểu của nền văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội, mà chúng ta cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, để nắm bắt cho hết những quy luật thẩm mỹ, quy luật sáng tạo độc đáo của âm thanh Hà Nội, nhịp điệu Hà Nội.
Trần Duy tổng hợp