Giới thiệu một số loại nhạc cụ thường dùng trong sinh hoạt ca nhạc dân gian Hà Nội
Tiêu biểu và xa xưa nhất là chiếc trống đồng. Trống đồng là một loại nhạc cụ gõ được khai thác tiếng vang của kim loại có cộng hưởng và truyền âm độc đáo. Mặt và tang trống phình ra là vòm chứa đựng âm thanh, thân trống hình trụ thon lại cộng hưởng và truyền âm, chân trống hình loe rộng như miệng loa phát âm thanh. Do đó trống đồng phát ra những âm thanh hùng vĩ gây vang náo động. Chiếc trống đồng cổ nhất ở Thăng Long là chiếc trống đào được ở Cổ Loa năm 1982. Ngoài trống đồng còn có trống da, trống lệnh, trống cái, trống đế chầu văn, trống đế chèo…
Cồng chiêng thời Hùng Vương đã để lại hình ảnh trên trống đồng. Công chiêng dùng từng bộ, treo thành dàn từ 6 đến 8 chiếc, từ nhỏ đến to. Trong các lễ hội, tại huyện Ba Vì, giàn Cồng Mường có bộ đánh giai điệu, có bộ đệm, cuộc vui đánh cồng có khi kéo dài suốt ngày đến đêm khuya vẫn chưa dứt.Ở Hà Nội, trong nhạc nghi lễ không dùng cồng mà chỉ dùng chiêng.
Thanh la bằng đồng, hình dáng như cồng nhưng nhỏ hơn nhiều, đường kính khoảng 20cm dùng trong nhạc trầu văn và chèo. Đồng la to hơn thanh la đánh hai dùi, tiếng nặng tiếng nhẹ dùng trong nhạc tuồng và thi nhịp chèo.
Sênh (phách) là hai thanh tre hoặc gỗ dập vào nhau để gõ nhịp. Từ chiếc sênh cổ khắc trên trống đồng, tiến triển thành bộ sênh phách ba của hát ả đào. Bộ phách ba phát ra nhiều thứ tiếng trong một âm sắc, hình thành một thứ giai điệu khá hấp dẫn.
Mõ có nhiều loại to nhỏ tùy theo khích thước và âm thanh. Mõ đánh bằng dùi một, được khoét từ một khối gỗ hoặc củ tre hình dáng giống một con sò lớn. Song loan là một loại mõ dập bằng chân để giữ nhịp.
Sáo tre, sáo trúc: Khoét sáu lỗ cho ngón tay bấm, một lỗ để thổi ngang, một lỗ dán màng tre mỏng để có tiếng rung. Tiếng sáo cao vút nổi bật lênh trên mọi âm thanh đại diện cho âm trúc trong dàn bát âm.
Kèn răm(kèn bóp): Thổi qua chiếc răm bằng sậy, hơi qua thân kèn có sáu lỗ bắt ra loa phát. Không thể thiếu kèn bóp trong các chầu tế thần, trong nhạc tang lễ.
Tù và là một loại vỏ ốc rất to, trôn ốc khoét lỗ nhỏ để thổi phát ra một âm vang rất xa. Tiếng tù và thúc giục khiến người ở xa tới mức không thấy tiếng nhạc rước, vẫn văng vẳng tiếng tù và, phải mau mau thu xếp công việc kịp đến dự hội.
Đàn đáy là nhạc cụ tiêu biểu cho giới nghệ sĩ kinh thành, là cây đàn khá cổ trong dàn nhạc cổ Việt Nam. Cán đàn dài khoảng 1,2 mét, thùng đàn hình thang, đáy 18cm, cao 40cm, dày khoảng gần 10cm. Đàn mắc ba dây bằng tơ tằm đã xe săn. Cần dài có 10 phím gỗ thể hiện năm cung chính: cung nam trầm, cung bắc cao, cung nao uyển chuyển,, cung pha nửa trong nửa đục và cung huỳnh nhanh gấp. Mặt đàn bằng gỗ vàng tâm, khung hộp đàn bằng gỗ trắc.
Đàn bầu có 1 dây vừa gẩy vừa bịt phát ra những hồi âm. Dây mắc trên hòm đàn, nối vào chiếc cần tre vót mỏng để dễ uốn tiếng cao thấp. Cần đàn mắc thêm một chiếc loa bằng vỏ bầu để hát lại tiếng vang. Đàn bầu độc tấu hoặc đệm cho ngâm thơ.
Đàn nguyệt có bầu đàn tròn hình mặt trăng tròn, đường kính 40-45 cm, cần dài gần 90cm, mắc hai dây tơ. Đàn nguyệt được độc tôn trong hát chầu văn. Đàn nguyệt còn được tôn xưng là “phong lưu cầm”.
Đàn nhị gồm có bầu nhị bịt da kỳ đà mỏng, cần không phím mắc hai dây tơ có cữ buộc vào cần có thể xê dịch được, có vĩ kéo. Đi đôi với đàn nhị là đàn hồ, có âm trầm hơn đàn nhị.
Đàn tứ có bầu tròn kích thước như đàn nguyệt. Cần đàn ngắn, chỉ cách bầu đàn khoảng 10cm, nên phím gắn cả trên mặt đàn.
Đàn tì bà, thập lục, tam thập lục nằm trong dàn nhạc bát âm để phục vụ các nghi lễ dân gian.
Trần Duy tổng hợp