Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 29/06/2016 11:34
Những hình ảnh mang đậm văn hóa gia đình Việt Nam

 Văn hóa gia đình Việt Nam bao hàm cả hai yếu tố tình và nghĩa. Không có nghĩa khó được xem là một ứng xử đúng đắn và có văn hóa. Đương nhiên, nếu chỉ biết có nghĩa mà không chấp nhận tình yêu thì lại là một tội ác. Truyền thống văn hóa gia đình Việt nam được thể hiện thông qua những hình tượng mang nét rất Việt Nam như: cánh võng, lời ru của mẹ hay chữ “phúc” - nhà có phúc…

 Cánh võng là một hình ảnh đẹp gắn với văn hóa gia đình Việt Nam và cũng xứng đáng được xem là hình ảnh biểu tượng. Có lẽ chiếc võng ít được sử dụng trên thế giới và ngày nay ở nước ta nhiều gia đình cũng không còn dùng nữa. Hình ảnh cánh võng luôn gợi nhớ tới làng quê bình yên, nơi có ông bà cha mẹ ta ở đó, nơi gia đình tổ ấm bến đợi mỗi người con trở về. Cái võng Việt Nam có nhiều vai trò lịch sử. Võng anh, võng nàng của người trí thức, võng điều, võng xanh của các quan lại, chiếc võng Trường Sơn của anh bộ đội thời đánh Mỹ… nhưng thân thương, gần gũi hơn cả là chiếc võng trong gia đình. Võng của bà, của mẹ, của chị đã ấp ủ cho người con, người em từ thủa trứng nước cho đến tuổi trưởng thành. Võng của những người yêu nằm mơ màng tâm tình, võng của người lực điền ngả lưng sau một buổi cày, võng của ông già nằm đọc sách hoặc hóng mát bên bờ ao, lim dim nghĩ chuyện cháu con, họ hàng làng nước. Cánh võng gắn cả với một bề dày văn hóa gia đình, nó lại được làm bằng những nguyên liệu đơn giản bằng lau, bằng đay, bằng các loại vải, bằng tre… đưa ta về với thiên nhiên. Hình ảnh chiếc võng là một hình ảnh rất đơn sơ, giản dị, song lại hết sức gần gũi thân thương với mỗi người dân Việt.

Lời ru của mẹ là một biểu tượng văn hóa gia đình độc đáo của Việt Nam.

Con đi khắp bốn phương trời

Cũng không đi hết những lời mẹ ru

(Nguyễn Duy)

Có lẽ nói như vậy là ít nhiều đề cập đến nét chủ yếu của văn hóa lời ru, dù đây là cả một phạm trù rộng lớn. Hát ru không đòi hỏi những mảng nền âm nhạc phức tạp. Điều đáng nói ở về lời ru của mẹ là chất tâm tình, là tình cảm yêu thương mẹ dành cho con qua những làn điệu à ơi dịu dàng và người con tiếp nhận qua lời ru của mẹ cả bầu trời yêu thương. Thật khó lý giải về điều này song thực tế, trẻ em đã lớn lên, thành người từ những lời ru như thế.

Trong quan niệm cổ truyền của người Việt nam đậm đà ý vị tâm linh có nhắc đến khái niệm cái phúc của gia đình. Nhà có phúc, theo quan niệm của người Việt, là nhà có con nối dõi tong đường, là gia đình liền mạch từ ông bà, cha mẹ đến con cái các đời về sau. Một nước cũng như một nhà, phải trường tồn với thời gian. Nhà có phúc là một gia đình mà con cháu đạt được những công tích nhất định, làm vẻ vang cho gia đình và dòng họ. Nhà có phúc, đó là điều mong ước, là niềm vinh dự nhất của người Việt. Phúc gắn liền với đạo nghĩa. Vô phúc là vô đạo. Muốn có phúc, con người phải ăn ở cho nhân đức. Lòng nhân xuất phát từ tình thương, lòng nhân không vụ lợi. Lòng nhân ấy sẽ được đền đáp, được phúc về sau. Muốn cho gia đình có phúc, điều quan trọng là người của thế hệ trước phải biết tu dưỡng, phải biết làm việc, ăn ở thế nào để lưu lại kết quả cho thế hệ  sau. Mức cao là để tiếng tốt, mức thấp là để đảm bảo sự tồn tại cho con cháu. Cả hai mức ấy đều quy vào một điều người ta gọi là phúc ấm tổ tiên. Có hai vấn đề liên quan đến “phúc” của một gia đình, đó là vấn đề bình an khang khái trong những ngày đang sống và vấn đề thịnh vượng cho tương lai. Có phúc không nhất thiết phải có nhiều tiền của, giàu sang mà quan trọng là một cuộc sống bình yên: Vàng tuy trời chẳng trao tay/ Bình an mấy chữ xem tày mấy mươi. (Gia huấn ca)

 

Ngô Duy tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)