Gia đình là tổ ấm - Nét đẹp truyền thống gia đình Việt Nam
Theo nếp nghĩ thuần Việt, quan niệm về gia đình truyền thống có thể hiểu một cách giản dị như thế này: Người dân Việt Nam thấy cần phải có gia đình để duy trì và tiếp nối truyền thống gia đình dòng tộc. Gia đình theo quan điểm của người Việt là phải có cha mẹ, có con cái, có tổ chức, nề nếp và vẫn phải có những riêng tư. Văn hóa gia đình xuất phát từ cái chung và cái riêng đó. Gia đình phải giúp cho mỗi cá nhân phát triển và ngược lại, cá nhân cũng phải có ý thức gia đình. Người Việt không thể chấp nhận khuynh hướng lập gia đình cho nó có để rồi coi nhẹ và dễ dàng xóa bỏ. Có nghĩa là gia đình phải được hình thành và xây dựng bền vững trên cả hai phương diện tình lẫn nghĩa.
Văn hóa gia đình là cả một vấn đề rộng lớn, phức tạp và vô cùng đa dạng. Nói đa dạng vì cái tổ ấm ấy muốn thành tổ phải có ít nhất hai người. Song thông thường theo quan điểm của người Việt thì cái tổ ấm ấy phải có ba hoặc bốn người (là những gia đình hạt nhân). Có thể có những con số cao hơn, là những gia đình tam đại hoặc tứ đại đồng đường. Vậy tổ ấm là một đơn vị gồm nhiều con người khác nhau chung sống dưới một mái nhà. Khác nhau mà phải ở chung đương nhiên có những sự va chạm, có những mâu thuẫn về giới tính, mâu thuẫn tính tình, khí chất…Tính khí mâu thuẫn nhau sẽ đưa đến những ứng xử mâu thuẫn, dần dần gây nên những đối lập. Thế là từ đó, các thế hệ trong gia đình, các danh phận hay địa vị, các hoàn cảnh công việc cũng đưa đến những mâu thuẫn. Nguyên nhân hay gây ra mâu thuẫn thường trực hơn cả là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở các gia đình. Khởi đầu chỉ là tình yêu, đôi trai gái thấy cuốn hút nhau, hợp nhau rồi thành vợ thành chồng. Nhưng khi thành một gia đình rồi thì chỉ một chuyện tiêu pha đơn giản cũng dễ thành tranh luận, thành mâu thuẫn. Lúc còn bé, con thương mẹ vì được mẹ chăm sóc, anh em thân thiết nhau, nhưng khi đã trưởng thành, ai đầy nồi nấy thì con thấy cha mẹ là gánh nặng. Anh chị em ruột dễ gần gũi còn các chị em dâu, thường cư xử với nhau như bầu nước lã. Tình cảm đã giảm, nghĩa không còn. Ca dao Việt Nam đã từng lo lắng cho cái nghĩa này: “Người dưng có ngãi, ta đãi người dưng/ Chị em bất ngãi ta đừng chị em!”.
Thực tế là như vậy, nên câu chuyện gia đình là rất riêng. Mỗi gia đình phải tự giải quyết lấy chứ không thể có một phương sách chung cho tất cả các gia đình. Không có phương sách nhưng đã có một cuốn cẩm nang chung: đó là truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Đó là tình nghĩa, chỉ có tình nghĩa mới dẹp được chủ nghĩa cá nhân. Từ ngàn đời nay, cha ông ta đã biết trọng nghĩa, trọng tình không để cho đồng tiền hoàn toàn ngự trị, chi phối mọi ứng xử. Chế độ phong kiến xưa kia vốn rất nghiệt ngã đã kìm hãm đầy đọa bao nhiêu số phận con người. Nhưng thời đó những người vợ, những đứa con đã phải nhẫn nhịn gắng chịu, dùng tình nghĩa để dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân. Chế độ tư sản đã đề cao nhân quyền, nhưng lại gạt bỏ mất cái tình cái nghĩa. Phải chăng lấy bài học kinh nghiệm từ đời cha ông xưa kia, ngày nay xây dựng cuộc sống mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta phải nắm vững nguyên tắc: Vừa đảm bảo được quyền con người, vừa phát huy tình nghĩa thì mới có thể ổn định gia đình và khôi phục văn hóa gia đình, xây dựng được tổ ấm gia đình bình yên, hạnh phúc.
Ngô Duy tổng hợp